Chỗ rục rịch thi công, chỗ vẫn chờ
Những ngày giữa tháng 9, ghi nhận của PV Báo Giao thông, các trạm dừng nghỉ cao tốc qua Bình Thuận, Ninh Thuận vẫn chờ mặt bằng.
Tại vị trí Km 47+500 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dù đã được địa phương bàn giao một phần mặt bằng nhưng đến nay vẫn chỉ là khu đất trống, cỏ dại mọc um tùm, nhà đầu tư chưa có động thái triển khai thi công.
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, trạm dừng nghỉ nằm giáp ranh hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận. Đến giữa tháng 8, hai địa phương bàn giao lần 1, bàn giao trước phần diện tích 2ha mỗi bên. Đối với phần diện tích bổ sung thêm 3ha, hai địa phương đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục bổ sung quy hoạch.
"Hiện nhà đầu tư vẫn đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng. Vừa qua, Ban đã yêu cầu nhà đầu tư báo cáo bằng văn bản về tiến độ", ông Thái cho hay.
Trong khi đó, trạm dừng nghỉ cao tốc tại Km 205+092, cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết bắt đầu rục rịch thi công. Đến nay, đơn vị thi công đã tập kết thiết bị thi công đường dẫn, san lấp mặt bằng trên phạm vi được bàn giao.
Ông Huỳnh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH CP Thương mại dịch vụ TTC Châu Thành (doanh nghiệp dự án) cho biết, việc triển khai thi công bắt đầu từ ngày 20/8, phấn đấu hoàn thiện và đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2025.
Theo Ban điều hành cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, đến nay địa phương đã vận động được 13/15 hộ dân thống nhất nhận tạm ứng tiền và giao mặt bằng trước với diện tích 9,24/10ha cho trạm dừng nghỉ này.
Riêng huyện Tuy Phong (Bình Thuận) vẫn chưa hoàn thiện thủ tục bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để thi công dự án trạm dừng nghỉ tại Km 144+560.
Ban điều hành dự án cao tốc cho biết, trong thời gian chờ trạm dừng nghỉ đưa vào khai thác, phương tiện có thể dừng chân tại trạm dừng nghỉ tạm ở Km199 và trạm dừng nghỉ nút giao Ma Lâm. Các trạm dừng nghỉ tạm sẽ dừng hoạt động sau khi trạm chính thức đưa vào vận hành.
Nhà đầu tư ngóng mặt bằng
Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đi qua ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, theo quy hoạch sẽ xây dựng hai trạm dừng nghỉ tại Km 90+900 (gần nút giao Phan Rang, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận).
Ông Bùi Lai, Giám đốc điều hành cao tốc (Ban QLDA 85) cho biết, đầu tháng 8, Bộ GTVT đã ký kết hợp đồng với Liên danh Công ty CP Xe khách Phương Trang FUTABUSLINES - Công ty TNHH Thành Hiệp Phát (nhà đầu tư) và Công ty TNHH Trạm dừng nghỉ FUTA (doanh nghiệp dự án). Tuy nhiên đến nay, trạm dừng nghỉ vẫn chưa thể thi công do chưa có mặt bằng.
Vừa qua, Ban QLDA 85 đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Ninh Sơn khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc để sớm giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
"Mục tiêu đưa vào khai thác trạm dừng nghỉ trước Tết là rất khó khăn. Tuy nhiên, trên tuyến có hai trạm dừng nghỉ tạm tại nút giao tỉnh lộ 709, có bãi đỗ xe rộng rãi", ông Lai thông tin.
Trong khi đó, tại Nghệ An, ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, dự án trạm dừng nghỉ Km 427+035 (cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu) đến nay đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu.
Ban QLDA 6 đã làm việc với đơn vị trúng thầu là Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Công ty Xăng dầu Thừa Thiên - Huế và hội đồng GPMB huyện Diễn Châu để bàn giao mốc giới theo diện tích đã được quy hoạch.
Hiện nay, liên danh nhà thầu đang thực hiện các bước chuẩn bị xây dựng. Theo hợp đồng, liên danh nhà thầu sẽ có 3 tháng để làm công tác chuẩn bị và 11 tháng thi công.
"Vừa qua, diện tích mặt bằng được phê duyệt theo đợt 1 đã được bàn giao, phần diện tích còn lại, Ban đang yêu cầu Hội đồng GPMB huyện Diễn Châu lên phương án trích đo, kiểm kê và áp giá đền bù", đại diện Ban QLDA 6 thông tin.
Hiệu quả từ xã hội hóa đầu tư
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Giang, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 36 trạm. Các trạm này được cập nhật gồm cả các trạm đã đưa vào khai thác và các trạm thuộc các dự án đầu tư trước đây.
Trong đó, các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) và giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) có 21 trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư.
Hiện nay, có 8 trạm dừng nghỉ đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh và đang triển khai thực hiện, 13 trạm đang tổ chức mời thầu (gồm 2 trạm thuộc giai đoạn 1 và 11 trạm thuộc giai đoạn 2).
Theo hợp đồng được ký kết, tiến độ thực hiện 8 trạm sẽ hoàn thành toàn bộ trong thời gian từ 15 - 18 tháng, phấn đấu hoàn thành cơ bản các công trình dịch vụ công thiết yếu (khu vệ sinh, bãi đỗ xe) trước 31/12/2024.
Hiện nay, công tác triển khai các trạm dừng nghỉ đang được các nhà đầu tư tiếp cận hiện trường, thực hiện các công việc chuẩn bị để có thể triển khai khởi công xây dựng ngay khi đủ điều kiện cần thiết.
"Đối với 8 trạm nói trên, nhà đầu tư sẽ xây dựng bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay khoảng 2.180 tỷ đồng, ngoài giá trị mà nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước là 975 tỷ đồng", ông Giang đánh giá.
Ông Giang cũng thông tin thêm, đối với 13 trạm dừng nghỉ giai đoạn 2, hiện nay đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, vốn đầu tư 13 trạm dự kiến sơ bộ khoảng 4.350 tỷ đồng. Riêng giá trị nộp ngân sách Nhà nước chưa thể xác định được do các nhà đầu tư còn tính toán để đề xuất giá trị bỏ thầu.
Trong 13 trạm dừng nghỉ đang mời thầu, có 11 trạm thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự kiến mở thầu trong tháng 9.
Đầu tháng 8, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã hoàn tất công tác đàm phán và thực hiện ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh của 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết (2 trạm), Phan Thiết - Dầu Giây.
Quy mô mỗi trạm dừng rộng từ 3-7ha nằm ở hai bên đường. Các hạng mục xây dựng gồm bãi đỗ xe, khu vệ sinh, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông...