Những mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình đã khiến Phan Văn Thìn (SN 1988, trú thôn Thanh Mỹ, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) ra tay với chính mẹ ruột.
Ngày 16/10/2019, Tòa án nhân dân huyện Cẩm Xuyên tuyên án Phan Văn Thìn (SN 1988, trú thôn Thanh Mỹ, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) 84 tháng tù giam về hành vi cố ý gây thương tích đối với chính mẹ ruột của mình. Diễn biến vụ án được kiểm sát viên công bố khiến những ai có mặt tại phiên tòa đều cảm thấy đau lòng.
Khoảng 18h30’ ngày 11/2/2019, những bất hòa trong sinh hoạt gia đình đã khiến mâu thuẫn giữa Thìn và mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Linh (SN 1966, trú thôn Thanh Mỹ) lên đỉnh điểm. Sau khi bị Thìn tát vào mặt, người mẹ tiếp tục bị nghịch tử dùng tay đẩy mạnh vào vai.
Hành vi của đứa con bất hiếu khiến bà Linh đập đầu xuống nền sân xi măng, tử vong do chấn thương sọ não.
Với hành vi bất hiếu, HĐXX đã tuyên phạt Phan Văn Thìn 84 tháng tù giam
Bản án dành cho đứa con bất hiếu Phan Văn Thìn không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Phiên tòa đã khiến nhiều người nhìn nhận, suy ngẫm về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi về già.
Ông Nguyễn Khắc Dương (TX Hồng Lĩnh) chia sẻ: “Cha mẹ chăm lo, nuôi nấng, dạy dỗ từ khi con chào đời đến lúc đấng sinh thành nhắm mắt xuôi tay. Hy sinh cả cuộc đời để con khôn lớn, trưởng thành, bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng mong con cái hiếu thuận với mình khi về già”.
Hy sinh cả đời cho con, bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng mong con cái hiếu thuận với mình khi về già (Ảnh minh họa: Đình Nhất).
Theo luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu: “Nghĩa vụ của con cái trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật... không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý. Nếu người nào vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm này thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rõ, con cái với cha mẹ, ông bà là mối quan hệ gia đình, phải biết yêu thương, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau. Theo khoản 2, Điều 70 và 71 của luật này, con cái “có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình“; “con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt, khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Xuân Hiển - Giám đốc Công ty Luật KTD Chi nhánh miền Trung phân tích, hành vi ngược đãi, đánh đập cha mẹ không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn xâm phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ đã được pháp luật quy định.
Luật sư Nguyễn Xuân Hiển - Giám đốc Công ty Luật KTD Chi nhánh miền Trung: Hành vi ngược đãi, đánh đập cha mẹ không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn xâm phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ đã được pháp luật quy định.
Tùy thuộc vào mức độ của hành vi ngược đãi, đánh đập cha mẹ, con cái có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (về xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình). Người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
“Ngoài ra, nếu hành vi trên đủ yếu tố cấu thành một số tội danh liên quan đến việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự của người khác; tùy trường hợp có thể bị khởi tố về tội: cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, giết người…” - luật sư Hiển cho biết.