Lục địa thất lạc nằm giữa châu Á và châu Âu

Vùng đất thấp có tên Balkanatolia từng đóng vai trò như cây cầu cạn giúp động vật có vú di chuyển từ châu Á sang châu Âu.

Lục địa thất lạc nằm giữa châu Á và châu Âu

Hóa thạch khai quật ở Thổ Nhĩ Kỳ giúp các nhà nghiên cứu khám phá lịch sử của lục địa Balkanatolia chưa từng được biết tới trước đây. Ảnh: Balkanatolia. Alexis Licht và Grégoire Métais

Một lục địa mất tích từng nối liền châu Á với phía nam châu Âu có thể tạo thành con đường cổ đại giúp động vật di cư tới phương tây, dẫn tới sự kiện tuyệt chủng đột ngột trên quy mô rộng cách đây khoảng 34 triệu năm, theo nghiên cứu mới công bố trên số tháng 3/2022 của tạp chí Earth-Science Reviews. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học mô tả lục địa bị lãng quên nằm kẹp giữa châu Âu, châu Á và châu Phi. Vùng đất thấp có tên gọi Balkanatolia cho phép các loài có vú đi từ châu Á sang châu Âu, thúc đẩy sự tuyệt chủng của hệ động vật bản xứ trong sự kiện Grande Coupure, làm thay đổi đa dạng sinh thái trong khu vực.

Nghiên cứu mới giúp lý giải bí ẩn về cách động vật có vú châu Á từ họ hàng của tê giác tới chuột và tổ tiên xa xôi của ngựa di cư tới lục địa khác, theo K. Christopher Beard, nhà cổ sinh vật học và giáo sư ở Đại học Kansas, một trong các tác giả nghiên cứu. Beard và cộng sự sử dụng hóa thạch tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ và bán đảo Balkan bao quanh phần còn sót lại của lục địa thất lạc, để tìm dấu vết di chuyển của động vật cổ đại ngang qua khu vực.

Trong suốt thế Thủy Tân kéo dài từ 34 đến 55 triệu năm trước, châu Âu và châu Á là ngôi nhà của nhiều loài động vật có vú khác nhau. Tuy nhiên, vào cuối thế Thủy Tân, có một sự thay đổi lớn. Theo Beard, nhiều động vật sống ở châu Âu hàng triệu năm tuyệt chủng. Chúng bị thay thế bởi động vật có vú không có tổ tiên tại châu lục này. Việc phát hiện những hóa thạch với nguồn gốc không thể lý giải hé lộ khu vực từng trải qua thay đổi địa lý mạnh mẽ theo thời gian.

Các nhà khoa học phát hiện khoảng 50 triệu năm trước, Balkanatolia là một lục địa đảo tách biệt với những lục địa lân cận. Vùng đất có hệ động vật riêng khác với động vật sinh sống ở châu Âu và châu Á. Bắt đầu từ cách đây 40 triệu năm, ảnh hưởng kết hợp của chuyển động kiến tạo, quá trình mở rộng thềm băng và mực nước biển biến động khiến Balkanatolia nối với châu Á đầu tiên, sau đó là miền nam châu Âu, tạo thành một cây cầu cạn khổng lồ bắc ngang qua vùng.

Theo Alexis Licht, nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, trưởng nhóm nghiên cứu, vào thời gian đó, mực nước biển giảm 70 m. Chỉ riêng thay đổi này đã đủ tạo ra nhiều cây cầu cạn. Đây là giả thuyết chính lý giải việc Balkanatolia nối liền với châu Âu.

Licht cho biết hóa thạch tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ 35 - 38 triệu năm trước cũng cho thấy quá trình di cư của động vật có vú châu Á tới miền nam châu Âu xảy ra sớm hơn nhiều so với dự đoán trước đây, sớm hơn vài triệu năm trước khi sự kiện tuyệt chủng Grande Coupure diễn ra. Các hóa thạch ở Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm mảnh xương hàm của Brontotheres, động vật có vú giống tê giác lớn tuyệt chủng cuối thế Thủy Tân.

Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm thấy nhiều hóa thạch cổ hơn trong vùng, có niên đại hơn 50 triệu năm, giúp làm sáng tỏ lịch sử xa xưa của Balkanatolia. Điều đó sẽ giúp họ hiểu rõ các loài động vật có vú đầu tiên xuất hiện ở lục địa thất lạc này như thế nào.

Theo NBC News/VNE

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.