Dân quân xã Thạch Long, huyện (Thạch Hà) chuẩn bị cơ sở vật chất ở khu cách ly trên địa bàn.
Mặt trời gần đứng bóng nhưng anh Trần Y Mỹ - Thôn đội trưởng thôn Gia Ngãi 2, xã Thạch Long (Thạch Hà) cùng các chiến sĩ dân quân vẫn đang hướng dẫn và điều hành việc tiếp tế cơm nước cho các công dân trở về từ các tỉnh phía Nam tại khu cách ly tập trung Trường Mầm non xã Thạch Long.
Dưới cái nóng như đổ lửa, mồ hôi ướt lưng áo, nhưng các chiến sĩ dân quân ở đây vẫn tận tình hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức hảo tâm và người nhà sắp xếp lương thực, thực phẩm vận chuyển vào bên trong để lực lượng vòng trong trao tận tay các công dân. “Hơn 2 tháng từ khi dịch bùng phát trên địa bàn, mặc dù vợ tôi bị bệnh tim mới phẫu thuật, nhưng ở nhà có các con và anh em, bà con chòm xóm hỗ trợ thăm nom, động viên nên tôi cũng phần nào yên tâm trên tuyến đầu chống dịch” - anh Mỹ thổ lộ.
Dân quân huyện chuẩn bị phân phát khẩu phần ăn cho bà con tại khu cách ly xã Thạch Long.
Ở tất cả các địa phương trong tỉnh, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, đặc biệt là những ngày cao điểm tiếp nhận cách ly công dân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam, lực lượng dân quân đang ngày đêm căng mình cùng các lực lượng tham gia phục vụ tại các khu cách ly. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và nguy cơ lây nhiễm chéo, thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều chiến sĩ dân quân hoàn cảnh gia đình khó khăn, con còn nhỏ..., song tất cả vẫn không nề hà, luôn xung kích, tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch.
Được biết, tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn đến nay, các địa phương đã điều động 4.268 lượt dân quân làm nhiệm vụ canh trực tại các chốt phong tỏa, tham gia tổ tuyên truyền, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng và phục vụ tại 158 khu cách ly tập trung từ tỉnh đến cơ sở.
Lực lượng dân quân xã Hòa Hải, huyện Hương Khê hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân vùng lũ chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện trước mùa mưa lũ 2020 (ảnh tư liệu).
Với phương châm “Ở đâu có dân, có tổ chức chính trị, xã hội và hoạt động sản xuất thì ở đó có DQTV”, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tỉnh chăm lo xây dựng lực lượng DQTV theo hướng “vững mạnh, rộng khắp” với cơ cấu số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao, trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - quân sự tại địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 216/216 xã, phường, thị trấn xây dựng được lực lượng DQTV. 100% thôn, xóm, tổ dân phố đều có lực lượng dân quân tại chỗ; 257 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được lực lượng tự vệ; tỷ lệ DQTV trong toàn tỉnh đạt 1,7% so với tổng dân số. Tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 29,8%; 100% cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn là đảng viên, trong đó, đảng ủy viên đảng ủy xã, phường, thị trấn đạt gần 100%. Các huyện, thành phố, thị xã cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện; trong đó, toàn tỉnh đã xây dựng 11 nhà trực và 90 phòng trực cho lực lượng DQTV.
Trên mặt trên phòng, chống thiên tai, cháy rừng, lực lượng dân quân Hà Tĩnh luôn là nòng cốt lực lượng cơ động đầu (Trong ảnh: Dân quân xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn không quản ngại nguy hiểm cùng các lực lượng dập lửa cứu rừng - ảnh tư liệu).
Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng DQTV cũng được quan tâm đúng mức. Hằng năm, cùng với huấn luyện theo chương trình cơ bản, các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các địa phương cơ sở huấn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng xử lý tình huống an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, lụt bão, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống dịch bệnh... sẵn sàng tham gia khi có tình huống xẩy ra.
Đại tá Lê Hồng Nhân - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Nhờ thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng lực lượng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp” ngay từ cơ sở, nên chất lượng tổng hợp của lực lượng DQTV không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xẩy ra, góp phần giữ vững ổn định chính trị tại cơ sở”.