Lực lượng dân quân xã Điền Mỹ (huyện Hương Khê) hỗ trợ làm nhà nổi chống lũ cho các hộ gia đình trên địa bàn.
Trong dịp về xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê để tìm hiểu công tác chuẩn bị cho phòng chống lụt bão, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những ngôi nhà nổi được từng hộ gia đình ở đây thiết kế xây dựng, sẵn sàng sống chung với thiên tai khi mùa mưa bão đang đến gần.
Ngoài nhà nổi, gia đình nào cũng tự chuẩn bị cho mình phao cứu sinh, dự trữ từ 3 - 5 thùng mì ăn liền, 2 - 3 can đựng nước ngọt, đèn pin, nến... Để có được sự chuẩn bị này, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy (BCH) Phòng, chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) xã đã chỉ đạo các thôn, xóm chủ động xây dựng phương án đối phó, chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, vật chất khi có tình huống xẩy ra.
Chỉ huy trưởng BCH Quân sự xã Điền Mỹ - Hồ Xuân Sinh cho biết: “Trước mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã đã chủ động cử lực lượng dân quân xuống địa bàn trọng điểm để hướng dẫn các gia đình chuẩn bị cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm và hỗ trợ nhân lực giúp bà con làm nhà nổi chống lũ, đáp ứng yêu cầu khi có tình huống xảy ra”.
Ban CHQS xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) kiểm tra phương tiện, tàu xuồng chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ CHCN khi mưa bão về.
Thực tế nhiều năm qua, ở địa bàn miền núi: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, địa hình thường có độ dốc lớn, hệ thống giao thông bị chia cắt bởi nhiều sông, suối. Mưa lũ thường gây hiện tượng lũ quét bất ngờ, chia cắt, cô lập trên diên rộng, gây rất nhiều khó khăn cho công tác ứng cứu, viện trợ lương thực, nhu yếu phẩm, nhất là những xã trọng điểm lũ.
Do đó, để nâng cao “sức đề kháng” với thiên tai, lũ lụt, cấp uỷ, chính quyền ở các địa phương này đã đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức “tự bảo đảm tại chỗ” và “tự quản tại chỗ”, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại...
Cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là lực lượng quân sự địa phương đã thường xuyên sâu sát bám nắm cơ sở, bám nắm Nhân dân, thực hiện phương châm “Đến từng nhà, rà từng người” để kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ địa phương, hướng dẫn Nhân dân triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với thiên tai.
Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên kiếm tra hệ thống vật chất, tàu xuồng cứu hộ, phương án PCLB - CNCH, sẵn dàng ứng phó hiệu quả khi có tình huống xẩy ra.
Với phương châm “Phòng là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”, trước mỗi mùa mưa bão, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên điều chỉnh, bổ sung phương án PCLB - TKCN sát với đặc điểm tình hình; tăng cường lực lượng, phương tiện cho các vùng trọng điểm; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo bão lụt của các ngành chức năng.
Đối với các địa bàn trọng điểm lũ như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn... đều có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, máy phát điện tại các kho của xã. Những địa bàn ngập lụt như: thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà đã xây dựng được những đội thuyền cứu hộ cơ động, sẵn sàng xử lý, ứng cứu khi có lệnh.
Lực lượng dân quân xã Thạch Sơn (Thạch Hà) hỗ trợ đội thuyền CHCN củng cố, tu sửa phương tiện trước mùa mưa bão.
“Để chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp của thời tiết, là đơn vị nòng cốt, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, điều chỉnh phương án PCLB-TKCN; kiểm tra, củng cố, sửa chữa tàu xuồng, phương tiện vật chất và cấp phát, biên chế kịp thời cho các đơn vị, qua đó chuẩn bị tốt nhất các phương án đối phó khi bão lũ xẩy ra”, Thượng tá Dương Ngọc Tiệp - Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết.
Cơ quan Bộ CHQS tỉnh tổ chức kiểm tra vật chất, phương tiện CNCH đảm bảo an toàn, hiệu quả (Ảnh tư liệu).
Điểm nhấn trong công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai ở các địa phương hiện nay, nhất là địa bàn trọng điểm đó là việc huy động các nguồn xã hội hóa để xây nhà tránh trú bão lũ. Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn tỉnh huy động xã hội hóa được trên 211 tỷ đồng, đã bố trí 60 tỷ đồng xây dựng 30 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ; bố trí gần 144 tỷ đồng hỗ trợ kiên cố 2.053 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.
Với việc nâng cao khả năng thích ứng trước diễn biến khó lường của khí hậu, chủ động thực hiện nghiêm phương án “4 tại chỗ” gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao khả năng tự thích ứng và tự quản tại chỗ cho Nhân dân, nhất là các địa bàn trọng điểm sẽ góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.