Mỏ vàng Mponeng có nhiệt độ cực cao do ở sâu trong lòng đất. Ảnh: A_Dozmorov
Thợ mỏ làm việc trong hầm mỏ tại tỉnh Gauteng, Nam Phi, phải đi thang máy 90 phút mới tới nơi, mặc đồ bảo hộ và đeo thiết bị thở khẩn cấp, theo IFL Science . Giếng mỏ sâu đến mức gradient địa nhiệt của Trái Đất trở thành vấn đề lớn bởi nhiệt độ trong lòng Trái Đất tăng lên theo độ sâu. Nhiệt độ đất đá có thể lên tới 60 độ C trong lòng đất, vượt xa mức nhiệt con người có thể chịu được. Điều này thúc đẩy nhiều sáng kiến với cơ cấu làm mát, giúp duy trì hầm mỏ sâu nhất thế giới ở nhiệt độ có thể làm việc được bất chấp phần lõi nóng chảy của hành tinh.
Các hệ thống thông khí kết hợp với máy làm lạnh đưa không khí mát qua hệ thống hang động nhân tạo cũng như hỗn hợp băng và nước lạnh, giúp giảm thiểu những ảnh hưởng xấu nhất của nhiệt độ cao. Tuy nhiên, thợ mỏ cần làm việc theo ca để tránh tiếp xúc với điều kiện nóng nguy hiểm trong thời gian quá dài.
Làm việc ở độ sâu lớn như vậy cũng đi kèm khả năng bị chấn thương khí áp, bệnh ghi nhận lần đầu tiên ở thợ mỏ Pháp vào đầu thế kỷ 19. Chấn thương khí áp xảy ra khi di chuyển từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp trong thời gian ngắn. Vì lý do này, nó còn có tên gọi là bệnh giảm áp, ngày nay ảnh hưởng nhiều nhất tới thợ lặn, phi công, phi hành gia và người làm việc trong môi trường khí nén.
Di chuyển từ khu vực áp suất cao như mỏ sâu nhất trên Trái Đất tới khu vực áp suất thấp như mặt đất có thể tạo ra bong bóng khí nitrogen trong cơ thể. Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch, điều này trở thành vấn đề lớn khi thay đổi áp suất diễn ra quá nhanh, giải phóng khí gas vào cơ thể. Quá trình có thể rất đau đớn và đôi khi gây tử vong. Do đó, có nhiều biện pháp cần tuân thủ để kiểm soát nhiệt độ và luồng khí, giúp giảm bớt áp lực lên cơ thể thợ mỏ.
Khai thác mỏ ở độ sâu cực lớn đòi hỏi tạo ra và duy trì những đường hầm có thể chịu áp suất của đất đá xung quanh mà không sụp đổ. Mỗi ngày, 2.300 kg thuốc nổ được sử dụng để dọn dẹp 6.400 tấn đá, theo Kỷ lục Thế giới Guinness. Ngoài cung cấp vàng, Mponeng còn mang đến nhiều phát hiện bất ngờ. Năm 2006, giới nghiên cứu phát hiện tổ chức sinh vật đầu tiên sống độc lập với Mặt Trời trong mỏ vàng. Chúng dựa vào hoạt động phóng xạ để lấy năng lượng và có thể là ví dụ về cách sự sống tồn tại trên hành tinh khác.