Một hố đen siêu lớn đang mất tích

Các nhà thiên văn học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến một hố đen siêu lớn trong vũ trụ không được phát hiện.

Hố đen đang mất tích được cho là nằm trong cụm thiên hà Abell 2261, cách Trái Đất khoảng 2,7 tỷ năm ánh sáng trong chòm sao Hercules. Theo Futurism, thiên hà này từng được quan sát trong giai đoạn 1999-2004.

Gần đây, các nhà thiên văn học từ Đại học Tây Virginia đã sử dụng Đài quan sát tia X Chandra của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), và Kính viễn vọng Hubble để khám phá thiên hà Abell 2261 nhưng không phát hiện được hố đen, dù trọng lượng của nó gấp 3-100 tỷ lần Mặt Trời.

Một hố đen siêu lớn đang mất tích

Một hố đen siêu lớn “mất tích” giữa thiên hà Abell 2261, nặng gấp 3-100 tỷ lần Mặt Trời. Ảnh: NASA

Theo Forbes, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một trong những kính thiên văn tia X tốt nhất để quan sát cụm sao này trong 36 giờ, nhưng vẫn không thể tìm ra hố đen.

Hầu hết thiên hà kích thước lớn trong vũ trụ chứa một hố đen siêu lớn, thiên hà càng lớn thì hố đen càng khổng lồ. Trên thực tế, hố đen đang mất tích của Abell 2261 được xem là một trong những hố đen lớn nhất từng được ghi nhận.

Các nhà khoa học cho rằng hố đen có thể đã bị đẩy khỏi thiên hà chủ, sau khi 2 thiên hà hợp nhất để tạo thành một thiên hà lớn hơn - còn gọi là “hố đen giật lùi” (recoiling black hole).

Một trường hợp khác, 2 hố đen tương ứng của 2 thiên hà đã hợp nhất để tạo thành một hố đen lớn hơn, tạo ra lõi khổng lồ ở trung tâm thiên hà. Trong khi hiện tượng này chưa được quan sát trực tiếp ở các hố đen khổng lồ, các nhà thiên văn học từng quan sát chúng trên những hố đen nhỏ hơn.

Một hố đen siêu lớn đang mất tích

Hình ảnh tổng hợp của thiên hà Abell 2261. Ảnh: NASA

Trong báo cáo đăng trên tạp chí American Astronomical Society , nhóm nghiên cứu do Sarah Burke-Spolaor từ Đại học Tây Virginia dẫn đầu còn đưa ra 2 lý giải đơn giản hơn: không có hố đen ở vị trí quan sát, hoặc hố đen hoạt động không đủ mạnh để tạo ra tia X có thể nhận diện.

Còn theo NASA, những thiết bị quan sát có thể không đủ nhạy để bắt được tín hiệu của hố đen. Các nhà khoa học dự tính sử dụng Kính viễn vọng James Webb sắp được phóng vào năm 2021 để có cái nhìn chi tiết hơn.

Nếu không tìm ra hố đen, Abell 2261 có thể là thiên hà duy nhất không có thành phần này. Ngay cả dải Ngân Hà cũng có một hố đen khổng lồ dù tương đối tĩnh lặng.

Tin liên quan:

Theo Zing

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.