Trong khi thiếu vắng những nỗ lực đàm phán nhằm vãn hồi hòa bình, bước đi của một số quốc gia và tổ chức liên quan khiến việc tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm ngày càng khó khăn.
Sáng 24-2-2022 (theo giờ Hà Nội), trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine . Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ, quyết định trên được đưa ra nhằm đáp lại lời đề nghị của lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng trên kêu gọi Moscow hỗ trợ. Hãng thông tấn TASS của Nga khi đó dẫn lời ông Putin nêu rõ: “Tình thế khiến chúng tôi phải đưa ra những hành động quyết định và ngay lập tức”. Phản ứng trước động thái của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban hành lệnh thiết quân luật trên cả nước, đồng thời tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow.
Trẻ em Ukraine trong trại tị nạn ở Ba Lan, tháng 7-2022. Ảnh: AFP
Trong vòng một năm chiến sự triền miên, Nga đã kiểm soát được một số thành phố và cảng chiến lược, còn Ukraine nỗ lực giành lại phần lãnh thổ và đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga. Theo một thống kê của Liên hợp quốc (LHQ) được trang cnews.fr dẫn lại, tính đến ngày 15-1-2023, có 7.031 thường dân Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột và “con số thực tế có thể cao hơn”. Cũng theo LHQ, kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine, gần 6 triệu người dân Ukraine đã phải sơ tán trong nước và hơn 4,8 triệu người đăng ký tị nạn ở nước ngoài. Phụ nữ và trẻ em chiếm khoảng 86% tổng số người tị nạn Ukraine ở nước ngoài. “Người Ukraine tị nạn khắp châu Âu. Ví dụ như Ba Lan, quốc gia giáp Ukraine, đã tiếp nhận gần 2 triệu người tị nạn Ukraine. Đức là nước thứ hai tiếp nhận nhiều người Ukraine”, AFP dẫn chứng thêm.
Xung đột Nga-Ukraine còn gây thiệt hại nặng nề tới nền kinh tế của cả Nga và Ukraine. Ngày 31-1 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo thẩm định tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Ukraine trong năm 2022 giảm 34% do tác động của chiến sự. Trong khi đó, GDP của Nga giảm 2,2%. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ (UNESCO), xung đột cũng làm ảnh hưởng tới hơn 3.000 trường học và 239 địa điểm văn hóa.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác nhanh chóng áp đặt một loạt lệnh trừng phạt ngoại giao và kinh tế nhằm vào Nga. Xung đột cùng các lệnh cấm vận đã dẫn đến sự gián đoạn của hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời khiến giá năng lượng tăng vọt, lạm phát toàn cầu tăng mạnh và làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Đặc biệt, ở EU, nguồn cung năng lượng bị đứt gãy khiến giá nhiều mặt hàng tại khu vực này liên tục lập kỷ lục: Giá khí đốt cao gấp 6 lần, giá điện cao gấp 15 lần so với đầu năm 2021, còn hóa đơn khí đốt và điện của các hộ gia đình trên khắp châu Âu tăng gần gấp đôi. Nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Cologne (Đức) tiết lộ, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 1.600 tỷ USD.
Xung đột Nga-Ukraine cũng đẩy quan hệ giữa Nga và Mỹ xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Theo nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 9-2 vừa qua, quan hệ Moscow-Washington đang trong tình trạng “khủng hoảng chưa từng có” mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cải thiện. Thậm chí, ngày 22-2, Quốc hội Nga đã thông qua dự luật về việc đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Mỹ, đẩy thế giới vào một kỷ nguyên khó lường khi mất đi cơ chế hợp tác cuối cùng để kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc.
Từ tháng 3-2022 đến ngày 30-1-2023, Pháp đón hơn 100.000 người tị nạn Ukraine. Ảnh: AFP
Sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ và EU dành cho Ukraine vô hình trung đã tạo ra cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt. Chỉ vài ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Thụy Điển đã vạch ra kế hoạch tăng cường khả năng quân sự và xin gia nhập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phần Lan đã từ bỏ vị thế trung lập, rốt ráo gia nhập NATO cùng Thụy Điển và không do dự bỏ ra 1,24 tỷ USD mua vũ khí từ Mỹ-một trong những hợp đồng vũ khí lớn nhất trong lịch sử nước này. Trong bối cảnh môi trường an ninh châu Âu biến động sâu sắc vì cuộc chiến tại Ukraine, Đức cũng thành lập một quỹ đặc biệt 100 tỷ euro nhằm tái vũ trang, hiện đại hóa quân đội nước này. Trước đó, Washington yêu cầu các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.
Trước diễn biến ngày càng xấu đi do tình hình hiện nay ở Ukraine, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã kêu gọi nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện ở Ukraine như một nhiệm vụ cấp thiết trong thời điểm này. Tổng thư ký LHQ António Guterres khẳng định, “hòa bình thực sự và lâu dài cần phải đặt trên nền tảng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Xung đột càng kéo dài thì khó khăn càng nhiều”.