Cho đến nay, Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế. Có nhiều bài toán được đặt ra từ đại dịch Covid-19 được giới nghiên cứu và các chính phủ quan tâm.
Người dân Mỹ đeo khẩu trang phòng ngừa Covid-19. Ảnh: EPA.
Những kẽ hở
Đại dịch Covid-19 đã hé lộ kẽ hở trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh bởi tính lưỡng dụng trong các sản phẩm, dịch vụ chưa cao, đòi hỏi phải tính toán lại. Cùng với đó là độ kín của biên giới quốc gia; phương thức làm việc tại nhà, từ xa, trực tuyến khiến an ninh mạng xuất hiện nhiều nguy cơ như gian lận, lừa đảo, tấn công mạng gia tăng.
Nhiều tập quán xã hội tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, vô tình lan truyền dịch bệnh như: ôm hôn, bắt tay, hò hét, tụ tập đông người... Những cuộc biểu tình đòi tự do, chống lệnh giãn cách xã hội; hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các cấp chính quyền trung ương và địa phương... ở một số nước phương Tây (kể cả tổng thống cũng tham gia biểu tình).
Đại dịch Covid-19 đã hạn chế, thậm chí triệt tiêu ít nhất 5/10 tiêu chí về an ninh con người theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, khiến quyền tự do đi lại, tự do cá nhân, giao thương, tiếp cận y tế đồng đều và giáo dục... bởi lệnh giãn cách xã hội.
Những người nghèo, thu nhập thấp phải trả giá đắt nhất cho đại dịch; họ cũng là người có bệnh nền tỷ lệ cao nhất (ở Mỹ, người gốc Phi chỉ chiếm 30% dân số, nhưng lại chiếm hơn 70% người mắc bệnh Covid-19). Điều đó khiến nguyên tắc được ghi trong Hiến chương ILO: “Nghèo đói dù ở bất cứ nơi đâu đều là mối đe dọa tới sự phồn thịnh của cả thế giới” lại được chứng minh qua đại dịch.
Đại dịch Covid-19 cũng cho thấy, đảm bảo an ninh lương thực là một trọng điểm. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) cảnh báo, nguy cơ mất an ninh lương thực khẩn cấp tăng từ 135 triệu người (năm 2019) lên tới 265 triệu người (năm 2020).
Đại dịch Covid-19 còn cho thấy, năng lực quản trị của nhiều quốc gia là một phép thử, cuộc “sát hạch”, thước đo tất cả các nước bất kể giàu, nghèo, to, nhỏ. Đối diện với dịch bệnh, một số nước đã khá thành công, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc... Các nước châu Âu, Mỹ do nhận thức chủ quan với dịch bệnh, có nước ban đầu còn tính toán đến phương án miễn dịch cộng đồng, nhưng hậu quả thì đã rõ.
Ngoài ra, chuyên môn hóa sản xuất, kinh doanh cũng là một kẻ hở cho dịch bệnh tấn công: mô hình “công xưởng thế giới”; nhất thể hóa kinh tế; tự do chuyển dịch lao động, dịch vụ và đầu tư... sẽ được giải quyết thế nào sau đại dịch…
Bài toán vaccine
Dự án khổng lồ sản xuất, phân phối vaccine nhanh nhất cho thế giới đang là bài toán khó. Hiện đã có 48 loại vaccine tiềm năng. Các nhà sản xuất hàng đầu đó là Trung Quốc, Mỹ, một số quốc gia châu Âu, Nga và Ấn Độ. Việt Nam cũng nằm trong top sau.
Việc bảo vệ an ninh nguồn vaccine và trong quá trình vận chuyển, phân phối (cần tới 15.000 chuyến bay phân phối khắp thế giới), đòi hỏi các trạm và nhân viên y tế phải có trình độ chuyên môn và khắc phục nguy cơ vaccine bị đánh cắp. Vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C và vận chuyển đến vùng sâu, vùng xa… Đây thực sự là một thách thức mà nhân loại chưa từng phải đối mặt.
Hàng tỷ liều vaccine Covid-19 sẽ được sản xuất từ nay đến cuối năm 2021, song các chuyên gia lo ngại số vaccine chảy về các nước giàu có. Tình trạng “phân hóa 2 đầu” giữa người giàu (thuốc tốt, nhanh), người nghèo (thuốc rẻ, chậm, thậm chí không tiếp cận được). Và nếu như vậy, dịch bệnh sẽ không được kiểm soát trên toàn cầu, nguy cơ tái bùng phát là khó tránh.
Trong khi đó, vẫn còn tình trạng người dân chưa tin và từ chối tiêm vaccine. Khảo sát ở Mỹ cho thấy 42% số người thuộc đảng Cộng hòa chần chừ tiêm vaccine. Tại Nga, 59% số người được hỏi từ chối tiêm chủng vì họ không tin. Mặt khác, trong số những người được tiêm 1 mũi vẫn có ngươi fbị nhiễm Covid-19 (nhất thiết phải tiêm 2 mũi).
Các chuyên gia còn lo ngại tác động của “Hội chống tiêm vaccine” trên mạng xã hội trong những năm gần đây đến việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Họ cho rằng việc tiêm vaccine là không cần thiết, trái với tự nhiên và gây hại, vi phạm quyền tự do cá nhân, ảnh hưởng đến tín ngưỡng, sự thông đồng giữa chính phủ với các tổ chức y tế để kiếm lợi nhuận.
Những giải pháp cấp bách các nước cần quan tâm
Để khắc phục được các kẽ hở và giải quyết được các bài toàn đặt ra từ đại dịch Covid-19, các quốc gia cần đẩy mạnh ứng dụng các siêu phẩm của CMCN4.0, nhất là công nghệ thông tin, sinh học, tự động hóa, robot hóa, AI và mạng 5G... vào phòng, chống dịch bệnh. Mô hình Chính phủ điện tử cũng cần phát triển nhanh hơn, bởi nhiều lợi ích đã hiện rõ qua đại dịch.
Các chính phủ cần ưu tiên các chính sách và đầu tư vào chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm, nhất là các hệ thống cung cấp tại chỗ như lương thực, rau củ quả. Kết hợp chính sách phong tỏa gắn với giao thông mở để vận chuyển lương thực, thực phẩm… Tăng cường phối hợp cùng nhau giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến vận chuyển, phân phối, tiêm chủng vaccine, nhất là công tác hậu cần đồng bộ.
Về an ninh mạng trong đại dịch, có 3 hướng cần thay đổi: (1) Ưu tiên hàng đầu tạo ra lực lượng làm việc từ xa lành mạnh với các ứng dụng thúc đẩy năng suất, sự cộng tác và trải nghiệm; (2) Phải có mô hình bảo mật mới, chẳng hạn mô hình Zero Trust; (3) Tạo ra bộ dữ liệu đa dạng, thông minh hơn dựa trên nền tảng điện toán đám mây, bao gồm cả việc lắp đặt một số “robot biên phòng”.
Sớm thích nghi với xu thế mới sau đại dịch, bởi sẽ có những thay đổi lớn và quan trọng trên cả bình diện quốc gia và quốc tế, nhất là công nghệ theo dõi những bệnh nguy hiểm, gắn kho dữ liệu quốc gia với hồ sơ y tế công dân. Hệ thống “phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ”, các kho dự trữ chiến lược sẽ hình thành, cùng với sự điều chỉnh ngân sách y tế và tổ chức lại bộ máy quản lý cần sớm được tiến hành.
Chủ động trong quan hệ quốc tế, điều chỉnh về bộ máy tổ chức cho phù hợp với bối cảnh mới, bởi việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhu cầu về một loại “visa y tế”, dành cho người nhập cảnh cùng với những trắc nghiệm hay kiểm tra sinh học sẽ phải được tiến hành trước khi nhập cảnh vào một nước nào đó.
Như vậy, đại dịch Covid-19 đã buộc con người, các quốc gia phải nghiêm túc xem xét lại toàn bộ những quan điểm, nhận thức, hành vi ứng xử của mình với tự nhiên, xã hội... bao gồm cả những thành tựu về toàn cầu hóa và những định hướng tương lai, sao cho hạn chế đến mức thấp nhất những “vết nứt” “kẻ hở” đã và đang hé lộ ra từ đại dịch Covid-19.