Như đã biết, hiện nay trong quan hệ kinh tế song phương, Việt Nam đang là nước xuất siêu sang Hoa Kỳ với thặng dư thương mại 20 tỷ USD. Tuy nhiên theo chính sách mới của Tổng thống Donald Trump thì điều này sẽ có thể có một số thay đổi với chiều hướng cân bằng.
Tại buổi gặp mặt báo chí đầu tiên kể từ khi bắt đầu cương vị Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chiều 26/3, ông Daniel Kritenbrink khi được hỏi "Liệu hoạt động mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Mỹ có nằm trong mục tiêu làm giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước không", vị Đại sứ đã thẳng thắn:
"Câu trả lời đơn giản là có. Bất kỳ việc bán vũ khí nào cũng có các yếu tố phức tạp mà hai bên phải cân nhắc trước khi tiến hành. Tất nhiên khía cạnh tài chính là quan trọng.
Tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon - một trong những ứng viên sáng giá cho vị trí thay thế MiG-21 đã nghỉ hưu |
Khía cạnh an ninh và kỹ thuật cũng quan trọng, phải xem xét những vũ khí nào là phù hợp và thiết thực với đối tác Việt Nam. Ngoài ra còn có những nhân tố khác liên quan đến khía cạnh kỹ thuật...
Nhưng tôi cho rằng việc hai bên xem xét những điều này cũng đã cho thấy những tiến bộ to lớn trong mối quan hệ đối tác giữa hai nước.
Đó cũng thể hiện sự cam kết của chúng tôi đối với một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, cũng như thể hiện cam kết hợp tác của chúng tôi với đối tác Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng".
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion - Đối tượng cũng đã được Hải quân Việt Nam xem xét |
Trước đó theo website chính thức của Nhà Trắng, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã phát biểu nguyên văn như sau:
"Chúng tôi muốn Việt Nam mua trang bị từ Hoa Kỳ. Chúng tôi làm những trang bị tốt nhất, chúng tôi làm ra những thiết bị quân sự tốt nhất, và các loại máy bay, và bất kể thứ gì mà bạn có thể nêu tên. Những tên lửa chúng tôi sản xuất nằm trong danh mục mà không ai có thể tiếp cận.
Tôi đã nói trước đó, như bạn biết, một tên lửa vừa được bắn vào Saudi Arabia từ phía Yemen. Và một trong những hệ thống tên lửa của chúng tôi bắn hạ nó. Thậm chí không ai biết điều gì đã xảy ra. Và tên lửa đã nổ trên không trung; nó bị bắn hạ như chưa từng có gì xảy ra.
Chúng tôi làm ra những tên lửa tốt nhất trên thế giới, những máy bay tốt nhất trên thế giới, những máy bay thương mại tốt nhất trên thế giới.
Vì vậy chúng tôi muốn Việt Nam mua từ chúng tôi, và chúng tôi phải xoá bỏ sự mất cân bằng thương mại. Chúng ta không thể có sự mất cân bằng về thương mại.
Khác với điều đó, tôi nghĩ rằng chúng ta đang hướng tới một mối quan hệ tuyệt vời, và tôi mong đợi nó diễn ra trong nhiều năm tới".
Tàu tuần tra CSB 8020 lớp Hamilton là vũ khí lớn nhất Việt Nam đã nhận từ Mỹ |
Về phần Việt Nam, theo các chuyên gia quốc tế nhận định, nhu cầu đối với một số loại vũ khí công nghệ cao của Mỹ như tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion... là có thật.
Do vậy với những diễn biến trên, sẽ không phải là điều ngạc nhiên khi hợp đồng mua sắm trang thiết bị quốc phòng giữa hai quốc gia sớm được thúc đẩy.