Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) thuộc Lầu Năm Góc ngày 24/7 khai hỏa hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một thao trường trên đảo Kauai thuộc quần đảo Hawaii nhằm mô phỏng đòn tập kích vào căn cứ Mỹ. Để đối phó đòn tấn công này, MDA phóng 4 quả tên lửa đánh chặn SM-6 Dual II để tiêu diệt mối đe dọa.
Trong cuộc thử nghiệm được mô tả là “nhiệm vụ phức tạp nhất MDA từng thực hiện”, các tên lửa SM-6 khai hỏa từ khu trục hạm USS Ralph Johnson có nhiệm vụ xác định và tiêu diệt tên lửa đạn đạo mục tiêu trên vùng biển rộng lớn phía tây bắc Hawaii.
“Dựa trên dữ liệu ban đầu, một mục tiêu bị đánh chặn thành công. Chúng tôi chưa thể xác nhận mục tiêu thứ hai đã bị tiêu diệt hay không”, MDA cho biết trong thông cáo sau cuộc thử nghiệm.
Tên lửa SM-6 phóng từ khu trục hạm USS John Paul Jones trong cuộc thử nghiệm trên biển tháng 6/2014. Ảnh: US Navy.
MDA cho biết cuộc thử nghiệm ban đầu được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 12/2020, song bị hoãn tới nay do hạn chế nhân sự và di chuyển thiết bị để ngăn nCoV lây lan.
Trước đó, MDA hôm 29/5 đã tiến hành một cuộc thử nghiệm phóng SM-6 từ khu trục hạm Mỹ ngoài khơi Kaunai nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, song không thành công.
Các cuộc thử nghiệm tên lửa đánh chặn được Mỹ coi là cơ hội cải tiến công nghệ và chứng tỏ sức mạnh phòng thủ trên toàn cầu. MDA được giao nhiệm vụ phát triển hệ thống phòng thủ nhiều lớp để bảo vệ Mỹ cùng quân đội và các đồng minh của nước này.
Standard Missile 6 (SM-6) là tên lửa phòng không có khả năng đánh chặn máy bay, tên lửa diệt hạm và hành trình của đối phương, ngoài ra có thể được sử dụng như một loại vũ khí chống hạm. Mỗi tên lửa SM-6 có giá khoảng 5 triệu USD.
Tập đoàn vũ khí Raytheon cho biết đã nâng cấp phần mềm của SM-6 vào năm 2017 để tên lửa có khả năng đối phó tốt hơn với các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm trung. Hãng sản xuất cũng đang phát triển năng lực chống vũ khí siêu vượt âm cho tên lửa SM-6.