Ngày 7/7, Mỹ đã gửi thông báo rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc với lý do tổ chức này thiên vị Trung Quốc và chậm trễ trong việc đối phó với đại dịch Covid-19.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AP |
Để chính thức rút khỏi WHO, Mỹ cần thông báo trước ít nhất 1 năm và thanh toán mọi khoản tiền đã cam kết trước ngày ấn định rời khỏi tổ chức này vào 6/7/2021. Theo hồ sơ do WHO cung cấp, Mỹ vẫn còn nợ hơn 99 triệu USD tiền cam kết viện trợ.
“Chúng tôi sẽ làm việc với Quốc hội về khoản ngân sách này. Chúng tôi sẽ thanh toán khoản nợ”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên hôm 8/7.
“Tuy nhiên, Tổng thống đã nói rõ rằng chúng ta không thể bảo trợ cho một tổ chức không đủ năng lực và không thực hiện đúng chức năng cơ bản của nó”, ông Pompeo nói thêm.
Tổng thống Trump lần đầu đe dọa sẽ rời khỏi WHO vào hồi tháng 5 nếu tổ chức này không cam kết thực hiện những cải cách trong vòng 1 tháng sau khi Tổng Giám đốc WHO nhận được bức thư từ phía Mỹ. Trong bức thư, ông Trump cho rằng WHO đã nhiều lần mắc sai lầm và cách tổ chức này đối phó với đại dịch gây tốn kém cho thế giới.
Ông Pompeo cũng chỉ ra rằng, việc xử lý các đại dịch trước đó là một lý do khác khiến Mỹ quyết định rút khỏi WHO.
“Đây là một tổ chức đã mắc sai lầm trong ứng phó với dịch SARS, tiếp theo là Ebola. Mỹ từng phải tạo ra một hệ thống riêng là PEPFAR để thực hiện công việc ngăn chặn và đưa ra các phương pháp điều trị HIV/AIDS”.
Một số nghị sĩ Mỹ đã phản đối quyết định ông Trump rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại Mỹ.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ trước đây cũng đã lên tiếng ủng hộ WHO.
“WHO là một tổ chức không hoàn hảo. Tổ chức này đã mắc một số sai lầm, nhưng họ cũng làm được nhiều điều hữu ích. Thế giới cần WHO”, ông Fauci nói trong cuộc phỏng vấn với CBC hồi tháng 6.