Xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ. (Nguồn: vox.com)
Phát biểu với báo chí tại Washington, bà Christensen khẳng định: "Sắc lệnh sẽ cấm cả những người có thẻ xanh."
Trước đó, ngày 28/1 đã có năm hành khách Iraq và một người Yemen đã bị cấm lên một chuyến bay của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir từ Cairo tới New York, sau khi Tổng thống Trump ra lệnh cấm nhập cảnh đối với các công dân từ bảy quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo.
Những hành khách trên, quá cảnh tại sân bay Cairo, đã bị chặn lại và được chuyển tới các chuyến bay đi về quốc gia của họ, dù tất cả đều có thị thực hợp lệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/1 đã ban bố sắc lệnh tạm thời cấm người tị nạn vào Mỹ trong vòng bốn tháng và tạm thời cấm nhập cảnh đối với người đến từ Syria và sáu quốc gia Hồi giáo khác.
Bộ Ngoại giao Iran đã tuyên bố nước này sẽ cấm người Mỹ nhập cảnh để đáp trả lệnh cấm nhập cảnh mang tính "sỉ nhục" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với người đến từ Iran và 6 quốc gia Hồi giáo khác.
Trong khi đó, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong danh sách các quốc gia bị cấm, nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng lệnh cấm người tị nạn tại Mỹ không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề, đồng thời kêu gọi các quốc gia Phương Tây nỗ lực hơn để giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm tải gánh nặng người tị nạn.
Trả lời họp báo chung với người đồng cấp Anh Theresa May, ông Yildirim nói: "Các vấn đề khu vực không thể được giải quyết bằng cách đóng cánh cửa với mọi người. Chúng tôi hy vọng thế giới Phương Tây san sẻ gánh nặng của Thổ Nhĩ Kỳ. Các anh có thể xây một bức tường nhưng đó không phải là giải pháp. Bức tường đó sẽ sụp đổ giống như Bức tường Berlin."
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng lưu ý rằng nước này đã chi 26 tỷ USD để lo chỗ ở cho người tị nạn.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh đã từ chối chỉ trích quyết định nói trên của Tổng thống Trump. Bà May cho hay: "Mỹ chịu trách nhiệm cho chính sách của Mỹ về người tị nạn. Anh chịu trách nhiệm cho chính sách của Anh về người tị nạn".