Trang Naval Today dẫn nguồn tin quân sự cho biết, tập trận Sea Breeze 2018 khai mạc từ ngày 9/7, với sự góp mặt của Hải quân Ukraine và lực lượng từ 18 nước NATO, do Kiev làm chủ nhà và Mỹ dẫn đầu.
Đây là cuộc tập trận thường niên được tổ chức từ năm 1997 nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa các lực lượng tham gia và củng cố an ninh hàng hải khu vực.
Được coi là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, các nước tham gia đã huy động tới 29 tàu chiến mặt nước, 1 tàu ngầm, 25 máy bay và lực lượng 3.000 người tham gia cuộc tập trận Sea Breeze 2018.
Riên lực lượng Mỹ triển khai tới tập trận Sea Breeze 2018 hai tàu chiến là tàu chỉ huy USS Mount Whitney và khu trục hạm Aegis mang tên lửa dẫn đường USS Porter.
Chiến hạm Mỹ tham gia tập trận. |
Theo thông tin được công khai, mục tiêu của cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến của các lực lượng tham gia trên khu vực Biển Đen, nâng cao hợp tác giữa các bên vì mục tiêu đảm bảo ổn định tình hình khu vực.
Hải quân Ukraine tuyên bố, cuộc tập trận Sea Breeze 2018 dự kiến kéo dài tới ngày 23/7, và diễn ra trên các khu vực Odessa và Mykolaiv của nước này.
Phương Tây không chỉ tiến hành tập trận quy mô lớn ngay tại khu vực trước đây được coi là "sân nhà của Nga", thời gian gần đây, Moskva cũng liên tiếp bị đe dọa bởi tiếng nói phản đối của các quốc gia láng giềng.
Đầu tiên phải kể đến Romania. Quốc gia này quan tâm đặc biệt đến sự an toàn của những cơ sở năng lượng của họ ở Biển Đen, cũng như đảm bảo quyền tự do tiếp cận các cửa sông Danube.
Việc kiểm soát quyền tiếp cận vào sông Danube có tầm quan trọng chiến lược đối với Bucharest, do vai trò của con sông như một tuyến đường vận tải và thương mại trọng điểm chạy qua hầu như toàn bộ khu vực Trung Âu, cùng một số lý do khác.
Kế đến là Gruzia, quốc gia chiếm một vị trí chiến lược tại nơi giao cắt về địa lý, văn hóa và lịch sử quan trọng. Vì vậy Gruzia cần Biển Đen để có một không gian thân thiện để tiếp cận với châu Âu.
Việc kiểm soát của Nga ở khu vực này có thể sẽ được Gruzia coi là phục vụ để cô lập nước này từ các đối tác phương Tây mới và khiến cho họ dễ bị tổn thương hơn nếu bị áp lực từ Moskva.
Tiếp đến là Ukraine. Sự tiếp cận Biển Đen của nước này có vai trò then chốt về kinh tế và chiến lược, và từ vị trí của Nga tại Crimea, Moskva có khả năng ngăn chặn các điểm tiếp cận chủ yếu của Ukraine tới Biển Đen thông qua các sông Dniester và Dniepr.
Hồi giữa năm 2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cảnh báo rằng Moskva đang biến Biển Đen thành "một cái hồ của Nga", đồng thời kêu gọi Mỹ và NATO có một nỗ lực lớn hơn để cạnh tranh quyền kiểm soát Biển Đen.
Dù đến nay mối quan hệ Nga-Thổ đã được cải thiện hơn trước rất nhiều nhưng không vì thế loại trừ được những rủi ro trong mối quan hệ được coi là rất mong manh này.
Một loạt đề xuất liên quan đến phản ứng chung của NATO đối với Nga đã được đưa ra, trong đó có đề nghị của Romania rằng NATO nên thành lập một hạm đội Biển Đen thường trực, được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của NATO ở Warsaw (Ba Lan). Tuy nhiên vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Rõ ràng, các nước xung quanh khu vực Biển Đen đã thấy được những nguy cơ có thể xảy ra nếu tiếp tục để Nga duy trì ảnh hưởng tại khu vực này. Vì vây, dù đang có trong tay quân bài chiến lược là Crimea, nhưng Moskva cũng không dễ dàng có thể "uy hiếp" các nước láng giềng.