Biểu đồ giá xăng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 9/2016 đến 4/1/2017. Nguồn: VNM
Theo nhiều DN, mức tăng này đúng với dự báo của họ trước đó. Nếu giữ nguyên mức xả quỹ bình ổn thì giá xăng và dầu có thể tăng lần lượt là 800 và 600 đồng/lít. Trong khi đó, giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu trên thế giới trong hơn 15 ngày qua liên tục tăng mạnh, bình quân ở mức 68,065 USD một thùng với xăng RON 92; dầu diesel ở ngưỡng 66,574 USD/ thùng, dầu hỏa 66,105 USD/ thùng…
Giá xăng dầu thế giới khó đoán định
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá xăng thế giới trong năm 2017 đang có xu hướng tăng mạnh và thất thường. Cụ thể, thời gian gần đây, giá dầu thô đã tăng lên gấp đôi, cụ thể, trong tháng 1 năm 2017 giá dầu đạt mức 55 USD/thùng, trước đó vào tháng 12 năm 2016 giá dầu đạt mức 54 USD/thùng. Trong khi ngày 20 tháng 1 năm 2016 giá dầu thô chỉ đạt mức 26,55 USD/ thùng, mức giá thấp nhất kể từ 13 năm trở lại đây.
Trên tờ Balance đầu tháng này, các chuyên gia đã phân tích có 3 nguyên nhân chính khiến cho giá dầu thế giới có xu thế tăng trong năm 2017. Thứ nhất, Hoa Kỳ đang gia tăng sản lượng khai thác dầu đá phiến sét và nhiên liệu thay thế. Tổng sản lượng khai thác của Mỹ đạt 9.4 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2015, đây được xem là mức cao nhất kể từ năm 1970. Lý do nữa khiến việc khai thác dầu đá phiến sẽ gia tăng là hàng loạt các “đại gia” dầu mỏ như BP, Exxon Mobile…đã giảm sản lượng khai thác các mỏ dầu, thay vào đó là mua lại hàng loạt các Cty khai thác dầu đá phiến.
Thứ hai, khi tất cả các giao dịch đều được thanh toán bằng USD, các nhà kinh doanh ngoại hối đã đẩy giá trị USD tăng lên 25% trong năm 2014 và năm 2015. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tại các nước xuất khẩu dầu mỏ giảm 70%.
Thứ ba, thay vào việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu, OPEC đã đặt một giá dưới mức giá sàn, đến tháng 1 năm 2017 để cứu giá dầu, các thành viên của OPEC đã đồng ý cắt giảm 1,2 triệu thùng. Sản lượng khai thác dầu mỏ đã giảm xuống mức 32,5 triệu thùng/ngày. Giá dầu đã bắt đầu tăng ngay khi OPEC công bố việc cắt giảm.
Không tác động mạnh
Tại thị trường trong nước, theo thông báo về việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước tuần trước, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã giảm mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng. Cụ thể, xăng khoáng chi sử dụng 300 đồng/lít (kỳ trước sử dụng 569 đồng/lít); Xăng E5 300 đồng/lít (kỳ trước sử dụng 577 đồng/lít). Mức trích lập Quỹ bình ổn được giữ nguyên so với kỳ trước.
Trong một bài tham luận gửi tới hội thảo về giá hồi cuối năm ngoái, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo, việc OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô sẽ ảnh hưởng lớn đến giá hàng hoá nhiên liệu, năng lượng và theo đó ảnh hưởng đến giá hàng hoá khác trong nước.
“Mặt hàng giá xăng dầu trong nước bình quân cả năm 2017 có thể cao hơn mức bình quân năm 2016, nhưng mức tăng không quá lớn, dưới 10%”, ông An cho biết
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng dầu thế giới đang chịu tác động từ việc cắt giảm của OPEC, “khi nguồn cung giảm chắc chắn giá xăng dầu sẽ phục hồi, mà giá xăng dầu thế giới tăng thì trong nước cũng phải tăng theo.
“Để hài hoà giữa giá xăng thế giới và trong nước, tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần kiểm soát giá, điều chỉnh thuế sao cho hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DN và người tiêu dùng. Muốn tạo ra nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, đừng nên vắt kiệt nguồn thu” Ông Long nói.
Trước đó, tại tất cả các kỳ điều hành giá kể từ đầu năm 2017, cơ quan quản lý đều quyết định giữ giá xăng bán lẻ trong nước ở mức ổn định.