Mèo chỉ có trong 12 con giáp của Việt Nam
12 con giáp. (Ảnh minh họa: Internet)
“Nhân vật” thứ tư trong 12 con giáp ở Việt Nam là mèo, trong khi đó đối với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… vị trí này là thỏ.
Theo truyện cổ của các nước kể trên, khi Ngọc Hoàng mở cuộc thi để chọn 12 con vật làm đại diện cho 12 năm thì chuột đã lừa mèo bằng cách thông báo sai thời gian thi khiến hôm ấy mèo ngủ quên. Cũng có dị bản khác cho rằng, không có chuyện chuột lừa mèo, mà do mèo tham ngủ nên vắng mặt tại cuộc thi. Nhưng kết truyện thì đều giống nhau: mèo không có mặt trong 12 con giáp và đó là nguyên nhân khiến mèo ghét chuột!
Riêng với sự tích 12 con giáp của Việt Nam thì mèo và chuột cùng đi thi. Khi đi ngang con sông lớn, cả hai phải nhờ trâu để quá giang. Giữa dòng, chuột lựa lúc mèo sơ ý bèn đạp mèo ngã xuống sông, còn trâu cõng chuột đến cửa thiên đình sớm nhất. Lúc ấy cửa hé mở và chuột đã nhanh nhẹn lẻn vào trước, trâu chậm hơn đành xếp thứ hai. Riêng phận mèo may mắn khi rớt xuống sông thì gặp hổ cứu và cặp này chiếm vị trí thứ ba, thứ tư trong 12 con giáp.
Cái kết của sự tích 12 con giáp ở Việt Nam hay các nước đều giống nhau: mèo ghét chuột do cuộc thi này mà ra!
Mèo lại hoàn mèo
Mèo lại hoàn mèo là câu chuyện châm biếm nổi tiếng của Việt Nam, cho chúng ta bài học về sự khiêm tốn cũng như biết lượng sức mình trong cuộc sống. Nội dung câu chuyện như sau:
Ngày xưa có một người nuôi một con mèo. Nghĩ con mèo của mình khôn ngoan, tài giỏi không có loài nào hơn nữa, mới đặt tên cho nó là “Trời”.
Một hôm, có một ông khách đến chơi, thấy sự lạ mới hỏi rằng:
- Sao ông lại dám gọi nó là con “Trời”?
Chủ nhà đáp:
- Con mèo của tôi quý hóa có một không hai. Gọi nó là con mèo thì không được. Phải gọi là con “Trời” mới xứng đáng, vì không ai hơn được “Trời”.
Ông khách hỏi:
- Thế mây chẳng che được trời là gì?
Chủ nhà bảo:
- Thế thì tôi gọi nó là con Mây.
Khách lại hỏi:
- Thế nhưng gió lại đuổi được mây!
Chủ nhà lại bảo:
- Thế thì gọi nó là con Gió.
- Thế nhưng thành lại cản được gió!
- Thế thì tôi gọi nó là con Thành.
- Thế nhưng chuột lại khoét được thành!
- Thì tôi gọi nó là con Chuột.
- Thế nhưng mèo lại bắt được chuột!
Chủ nhà nghĩ ngợi rồi bảo:
- Thì tôi lại cứ gọi nó là con Mèo như hôm trước vậy.
Ông khách vỗ tay cười:
- Thế có phải là: “Mèo lại hoàn mèo” như câu tục ngữ ta vẫn thường nói không?
Mèo trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam
Ảnh minh họa: Internet
Mèo có mặt trong rất nhiều câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, để lại nhiều bài học sống sâu sắc. Có thể nói, chuyện mèo cũng là chuyện nhân sinh.
Mèo có thể mang hình ảnh của sự thanh lịch, tế nhị, cái ngoan của người phụ nữ biết ăn uống duyên dáng, nhỏ nhẻ như mèo ăn trong “Nam thực như hổ, nữ thực như miu” (đàn ông ăn như hổ, phụ nữ ăn như mèo).
Ngoài ra, mèo còn đại diện cho những người biết lượng sức mình: “Mèo nhỏ bắt chuột con”. Thực tế cuộc sống, những người làm ăn nhỏ cũng thường tự lượng vốn, lượng mình theo câu này.
Trong mối quan hệ giữa con người với con người cần đề cao sự khiêm nhường bởi chưa biết “Mèo nào cắn mỉu nào” (không biết con mèo nào cắn con mèo nào). Hình ảnh này dụng ý là sống trên đời chưa biết ai hơn ai, vì vậy, mỗi người không nên coi thường kẻ khác bởi biết đâu họ hơn mình.
Tuy nhiên, tục ngữ cũng có câu “Mèo khóc chuột” để chỉ những kẻ đạo đức giả, những ai có thể làm hại người khác nhưng lại tỏ ra thái độ xót thương. Câu “Mèo già hóa cáo” lại được dùng để chỉ những kẻ sống lâu ở một nơi, lợi dụng sự hiểu biết nơi ấy mà làm bậy.
Mèo là con vật hay nằm khoanh nên bị coi là hiện thân của sự lười nhác. Thế nên có những câu như: “Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi/ Vợ anh đẹp lắm: đuổi ruồi không bay” hay “Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng tôi ngồi bếp sờ đuôi con mèo”. Không chỉ vậy, hình ảnh con mèo còn được dùng để nói những kẻ hay tự mãn về bản thân như “Mèo khen mèo dài đuôi”.
Câu “Mèo mả, gà đồng” lại được dùng để chỉ những mối quan hệ trai gái không đàng hoàng; thường là “quan hệ ngoài luồng” hoặc kiểu như “ông ăn chả, bà ăn nem”...