Trẻ em bị suy dinh dưỡng được chăm sóc tại một bệnh viện ở Sanaa, Yemen. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Trong một báo cáo công bố ngày 20/2, UNICEF nêu rõ tình hình tại những nước này là rất đáng báo động và trẻ em là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại Yemen, quốc gia đang vật lộn với cuộc nội chiến gần hai năm nay, có tới hơn 460.000 trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Tương tự, tại phía Đông Bắc Nigeria, số trẻ em thuộc diện này là khoảng 450.000 em.
Theo Fews Net - một hệ thống cảnh báo sớm về nạn đói kém tại các nước - từ cuối năm 2016, một số khu vực xa xôi hẻo lánh ở bang Borno của Nigeria đang vừa phải gồng mình chống chọi với nạn đói, vừa phải chống chọi với những hậu quả của thiên tai, trong khi các tổ chức nhân đạo quốc tế gặp khó khăn trong việc tiếp cận những khu vực này.
Thiên tai cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân Somalia. Ước tính, nạn hán hạn đang đẩy 185.000 trẻ em ở quốc gia này vào nguy cơ bị đói và UNICEF cảnh báo con số này có thể tăng lên 270.000 trẻ trong những tháng tới.
Riêng tại Nam Sudan - quốc gia non trẻ nhất thế giới, tình trạng đói kém trầm trọng hơn cả với hơn 270.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng. Theo UNICEF, nạn đói kém đã được công bố tại nhiều vùng ở bang miền Bắc Unity, nơi có khoảng 20.000 trẻ em sinh sống.
Không chỉ đưa ra cảnh báo đối với trẻ em, các cơ quan của Liên hợp quốc khác gồm Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) còn cảnh báo nội chiến và nền kinh tế kiệt quệ đang khiến nạn đói lan rộng tại quốc gia này với khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng.
Phó phát ngôn viên của Liên hợp quốc Farhan Haq dẫn lời Giám đốc WFP tại Nam Sudan Joyce Luma nhấn mạnh con người chính là nguyên nhân khiến nạn đói trở nên đáng báo động.
Trong khi cộng đồng quốc tế đã nỗ lực giúp Nam Sudan ngăn chặn tình trạng này, nhưng nội chiến kéo dài trong hơn ba năm qua và những hạn chế trong việc đảm bảo an toàn cho các nhân viên cứu trợ đã cản trở công tác cứu trợ nhân đạo.
Theo Giám đốc UNICEF Anthony Lake, tình trạng đói kém trầm trọng tại các nước châu Phi đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp. Dự kiến vào tháng Ba tới, Đại sứ các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có chuyến thị sát tới các nước Nigeria, Cameroon, Cộng hòa Chad và Niger - những nước đang trong cuộc chiến với phiến quân Hồi giáo Boko Haram - để đánh giá tình hình khủng hoảng nhân đạo tại đây.