Thí sinh tham gia Hội thi Nghiệp vụ lễ tân khách sạn Hà Tĩnh năm 2023 thực hiện phần thi ứng xử tại quầy lễ tân.
Sau thành công của Hội thi Nghiệp vụ lễ tân khách sạn toàn tỉnh được tổ chức từ ngày 9-10/11 vừa qua do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh phối hợp với Hiệp Hội du lịch tỉnh tổ chức, đoàn Hà Tĩnh đã cử 8 thí sinh tham gia Hội thi Nghiệp vụ lễ tân trong các cơ sở lưu trú du lịch liên tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023, kết quả Hà Tĩnh đã giành 6 giải, trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 3 giải khuyến khích.
2 hội thi đã tạo ra sân chơi nghề nghiệp với không khí sôi nổi thi đua, giao lưu học hỏi trong bộ phận những người làm nghề lễ tân cơ sở lưu trú nói riêng và người làm du lịch Hà Tĩnh nói chung.
Chị Trần Thị Thắm - Nhân viên lễ tân Khách sạn Eagle (TP Hà Tĩnh).
Chị Trần Thị Thắm (nhân viên lễ tân Khách sạn Eagle TP Hà Tĩnh) cho biết: "Tôi từng tốt nghiệp Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế và đã làm lễ tân khách sạn gần 5 năm nay. Khi tham gia hội thi, quan sát các thí sinh khác thể hiện, tôi mới thấy mình còn nhiều thiếu sót, cần học hỏi, rèn luyện hơn nữa. Đặc biệt, hội thi giúp tôi mở rộng kiến thức, cách thức giới thiệu hiệu quả các sản phẩm du lịch của cơ sở lưu trú và các địa phương trong tỉnh".
Được biết, tham gia hội thi nghiệp vụ lễ tân vừa qua, chị Thắm đã đạt giải ba cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp liên tỉnh.
Bà Thân Thị Nghị (ngoài cùng bên trái) - Giám đốc khách sạn Thiên Ý (KDL Thiên Cầm) cùng các đại biểu tại Hội thi Nghiệp vụ lễ tân khách sạn Hà Tĩnh năm 2023.
Bà Thân Thị Nghị - Giám đốc khách sạn Thiên Ý (KDL Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) bày tỏ: "Hội thi là một hoạt động nghề nghiệp rất ý nghĩa. Lâu nay, lễ tân được xem là bộ mặt của khách sạn, tuy nhiên ít người biết được vai trò, vị trí của họ. Hội thi là dịp để tôn vinh, khuyến khích đội ngũ những người làm nghề lễ tân, các thí sinh học hỏi được kinh nghiệm và cả những người quản lý như chúng tôi có cơ hội nhìn nhận, đánh giá năng lực nhân viên của mình. Qua đó, chúng tôi sẽ có phương án tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân lực ngày càng có chất lượng, nhằm phục vụ du khách một cách tốt nhất".
Giảng viên Nguyễn Duy Minh - Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trung tâm Thông tin Du lịch - Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) giới thiệu các ứng dụng chuyển đổi số trong ngành du lịch tại lớp tập huấn “Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” (10/2023).
Được biết, để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực du lịch có tay nghề, được đào tạo, vừa qua UBND tỉnh đã có Quyết định số 767/QĐ-UBND, ngày 5/4/2023 về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch Hà Tĩnh năm 2023. Trong đó, có chính sách hỗ trợ tập huấn bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.
Theo quyết định, Sở VH-TT&DL tỉnh phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Nguyễn Du, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các địa phương tổ chức 8 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ đang làm việc tại các cơ sở du lịch, di tích danh thắng...; 6 lớp nghiệp vụ về kỹ thuật chế biến món ăn, lễ tân, buồng phòng, pha chế cho đội ngũ nhân viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và 6 lớp tập huấn kiến thức về phát triển du lịch cộng đồng, hướng dẫn viên lữ hành, quản trị kinh doanh, ứng dụng truyền thông số để phát triển du lịch...
Đến thời điểm này, nhiều đơn vị được phân công đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch đã triển khai nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả.
Giáo viên Trường Cao đẳng Nguyễn Du hướng dẫn các học viên thực hành chế biến món ăn tại bản Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê).
Bà Đặng Thị Thúy Hằng - Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du cho biết: "Thực hiện quyết định số 767 của UBND tỉnh, đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 11/15 lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, nhà hàng khách sạn, khu du lịch toàn tỉnh với trên 300 học viên tham gia. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng bao gồm: Kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ buồng, giao tiếp trong kinh doanh du lịch".
Cùng với Trường Cao đẳng Nguyễn Du, thời gian qua, Sở VH-TT&DL cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ quản lý, nhân viên tại các địa phương như: tập huấn Diagital marketing trong du lịch, tập huấn kiến thức phát triển du lịch cho cộng đồng tại các điểm du lịch nông thôn...
Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: "Trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực du lịch có tay nghề tại các cơ sở kinh doanh du lịch giảm sút. Việc tăng cường phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động phục vụ trực tiếp trong ngành du lịch là rất cấp thiết. Ngành du lịch Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện nhằm từng bước khắc phục những hạn chế lâu nay, đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế trọng điểm trong thời gian tới".
Hà Tĩnh hiện có 294 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 7.000 phòng, trong đó có 2 sơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 3 cơ sở đạt 4 sao, 8 cơ sở đạt 3 sao. Có 1.553 nhà hàng ăn uống và 40 khu, điểm du lịch (trong đó có 15 khu điểm du lịch được công nhận). Lực lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 3.000 người, gián tiếp khoảng từ 7.000 - 8.000 người. |