NASA phát triển robot rắn tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh

Robot EELS được thiết kế để dễ dàng vượt qua nhiều địa hình như nước, cát, đá và băng, giúp thám hiểm các thiên thể trong hệ Mặt Trời.

NASA phát triển robot rắn tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh

Minh họa robot EELS đang hoạt động. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

NASA đang nghiên cứu kế hoạch sử dụng robot rắn để khám phá và tìm kiếm các dạng sống ngoài Trái Đất trong hệ Mặt Trời. Robot này là Thiết bị khảo sát sự sống còn tồn tại sinh học ngoài Trái Đất (EELS) do Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA phát triển, Interesting Engineering hôm 13/4 đưa tin.

EELS có thể đi xuyên qua các lỗ, kẽ hở, vết nứt trên các thiên thể trong hệ Mặt Trời, giúp khám phá những nơi sâu và khó tiếp cận. Robot tự hành cũng được thiết kế để dễ dàng vượt qua nhiều địa hình như nước, cát, đá và băng. Điều này bắt nguồn từ khả năng thay đổi và điều chỉnh hình dạng của robot để thích ứng với cảnh quan. Ngoài ra, nó cũng có các vít quay để bám và luồn lách qua những cấu trúc băng.

Nhóm nghiên cứu gần đây đã tiến hành một số thử nghiệm cho robot bên trong sông băng Athabasca và núi lửa Meager, Canada. Đây là bước đầu tiên trong việc phân tích khả năng phục hồi và điều hướng của robot qua địa hình gồ ghề nhằm tiếp tục hoàn thiện thiết kế cuối cùng.

Việc phát triển robot EELS được thúc đẩy bởi phát hiện đáng chú ý về các luồng hơi nước mà mặt trăng băng giá Enceladus của sao Thổ phóng vào không gian. Điều này làm tăng khả năng tồn tại một đại dương lỏng có thể sinh sống được bên dưới lớp vỏ đóng băng của Enceladus.

Các nhà khoa học và kỹ sư hy vọng sẽ nghiên cứu những hệ thống miệng phun trên Enceladus bằng cách đưa EELS luồn lách qua các kẽ nứt trên mặt trăng này. “Khả năng thích ứng của EELS mở ra tiềm năng khám phá nhiều điểm đến khác như chỏm cực trên sao Hỏa hay những khe nứt sâu dần trong các tảng băng trên Trái Đất”, NASA giải thích.

EELS cũng có thể giúp các phi hành gia tương lai xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Robot có thể dễ dàng đi qua các hang động dung nham và hố trũng, đồng thời xác định vị trí và lượng nước tồn tại trên bề mặt Mặt Trăng. Những địa điểm xa xôi này rất khó tiếp cận, nhưng robot rắn có thể hoạt động hiệu quả tại đó và gửi về Trái Đất vô số dữ liệu quý giá. Nhóm chuyên gia tại NASA đang nỗ lực làm việc để hoàn thiện các cải tiến với EELS.

Theo Thu Thảo (VNE)

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.