Những năm qua, công nghiệp Hà Tĩnh có bước phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2010-2016 đạt 19,56%/năm. Tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 5,65% năm 2010 lên 15,97% vào năm 2016. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập và phát huy hiệu quả nhất định, song so với yêu cầu còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả.
Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc sở Xây dựng: Cần bổ sung vào đề án mục công nghiệp phục vụ nông thôn; kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển công nghiệp.
Nhằm phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế phát triển, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng "Đề án Phát triển công nghiệp bền vững tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo", trong đó phân tích khá rõ những nội dung liên quan, đặc biệt là thực trạng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thời gian qua, đồng thời đưa ra 8 nhóm giải pháp để phát triển thời gian tới.
Ông Trần Tú Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT: Cần làm rõ căn cứ, sự cần thiết xây dựng Đề án và đánh giá chung về phát triển công nghiệp Hà Tĩnh.
Cụ thể là các giải pháp về công tác quản lý quy hoạch; phát triển một số ngành công nghiệp theo hướng bền vững; xây dựng cơ chế chính sách và triển khai thực hiện; đầu tư kết cấu hạ tầng công nghiệp; ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp.
Ông Võ Tá Đinh – Giám đốc Sở TN&MT: Cần nêu rõ việc quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển CN-TTCN. Đặc biệt là hạn chế tối đa đầu tư công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường.
Các đại biểu cho rằng, dự thảo Đề án tuy khá công phu nhưng còn nhiều điểm cần bổ sung, chỉnh sửa.
Ông Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở KH&CN: Cần phân tích kỹ để xem có cần thiết phải quy hoạch mỗi địa phương đều có một cụm CN-TTCN như hiện nay hay không, vì thực tế đã và sẽ có bất những bất cập.
Cần tập trung làm rõ căn cứ, sự cần thiết ban hành đề án, phân tích rõ hơn thực trạng, quy hoạch, làm rõ hơn các giải pháp phát triển, trong đó bổ sung, chỉnh sửa, sắp xếp các nhóm giải pháp rõ ràng, khoa học hơn; bổ sung vào đề án một số nội dung như phát triển dược liệu; bổ sung phát triển CN-TTCN tại KKT Cầu Treo; kết nối, đào tạo nhân lực cho phát triển công nghiệp; kết nối khu vực trong tiêu thụ sản phẩm CN-TTCN; cập nhật, đánh giá chính xác hơn các số liệu vào đề án...
Ông Bùi Xuân Thập - Giám đốc Sở VHTT&DL: Đánh giá lại và làm rõ việc tác động của phát triển CN-TTCN đến phát triển du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Dương Tất Thắng đề nghị các ngành, địa phương cần tiếp tục làm rõ sự cần thiết của phát triển CN-TTCN và phải là phát triển bền vững; gắn phát triển CN-TTCN với đề phát triển du lịch, gắn CN-TTCN Hà Tĩnh với phát triển vùng, khu vực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh phát biểu tại cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, dù đã có nhiều cố gắng nhưng dự thảo đề án vẫn chưa đạt yêu cầu. Các ngành, địa phương phải đánh giá sát đúng thực tế, bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là bám sát các quy hoạch quan trọng như quy hoạch thép, quy hoạch điện, phát triển công nghiệp phụ trợ; đưa ra giải pháp sát thực để giải quyết định hướng phát triển công nghiệp chủ lực của tỉnh; quan tâm công nghiệp công nghệ cao.
Cần đánh giá rõ các tồn tại, nguyên nhân khách quan, chủ quan lâu nay để có giải pháp thực hiện hiệu quả; chú trọng giải pháp môi trường khu công nghiệp; nêu rõ quan điểm đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê; đưa các giải pháp về công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nông sản, lâm sản, dược liệu; xã hội hóa đầu tư các khu, cụm công nghiệp...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan phối hợp, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, chỉnh sửa dự thảo để trình BTV Tỉnh ủy vào ngày 19/10 tới.