Thông tin này được Sputnik dẫn tuyên bố của ông Vladimir Mikheev, cố vấn cho Phó tổng Giám đốc thứ nhất của xí nghiệp kiêm nhà phát triển tổ hợp công nghệ điện tử Nga cho biết hôm 9/11, việc sản xuất hàng loạt hệ thống chiến tranh điện tử cho tên lửa hành trình bắt đầu.
"Hiện nay, tên lửa hành trình của chúng tôi có phức hợp phòng thủ trên không, bởi vì các vũ khí chiến lược đó phải được bảo vệ rất tốt. Các hệ thống này đã hoàn tất mọi thử nghiệm và đã được sản xuất hàng loạt", ông nói.
Máy bay Tu-160 tấn công mục tiêu bằng tên lửa hành trình tầm xa. |
Vị cố vấn này giải thích rằng ngày nay những tên lửa tiên tiến như X-101 và X-102 được trang bị bởi hệ thống tác chiến điện tử như vậy. Các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, Tu-95 và Tu-160 mang những tên lửa này. Theo các nguồn mở, tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Trong khi đó, Kalibr trang bị cho Hải quân Nga được đánh giá là dòng tên lửa hành trình thế hệ mới nguy hiểm hàng đầu thế giới hiện nay.
Nói về dòng tên lửa tầm xa này của Nga, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi kiêm lãnh đạo Lực lượng Đồng minh ở Naples cho biết, đây là tên lửa hành trình được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất.
Trong trường hợp được phóng từ tất cả các biển, bao gồm cả biển Caspian, tên lửa Kalibr có thể bay tới bất kỳ thủ đô châu Âu nào. Hiện nay Mỹ không thể triển khai vũ khí tầm xa hiệu quả trên các tàu mặt nước nhỏ giống như việc Nga trang bị cho hệ thống tàu mặt nước loại tổ hợp tên lửa Kalibr.
Nga đã tạo ra được một số loại tên lửa hành trình trang bị trên các tàu mặt nước, đặc biệt là Kalibr (NATO định danh là SS-N-27 Sizzler) sẽ trở thành loại vũ khí chính của Hải quân nước này trong nhiều năm tới.
Phiên bản trên mặt đất của loại tên lửa này tương tự tên lửa Tomahawk của Mỹ nhưng phiên bản chống tàu đặc biệt nguy hiểm, có thể nói là “sát thủ” đối với các tàu chiến.
Từ đầu những năm 1990, Hải quân Mỹ đã tiến hành phóng hàng trăm tên lửa Tomahawk từ tàu mặt nước và tàu ngầm tấn công vào các mục tiêu ở Trung Đông, Balkan, Bắc Phi và Afghanistan.
Khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu ở khoảng cách 1600 km đã làm cho loại tên lửa này trở nên nổi tiếng và rất đắt. Chính vì vậy trong thời gian dài chỉ có Hoa Kỳ và Anh là những nước sở hữu loại tên lửa này.
Tuy nhiên, kể từ khi Nga thực hiện cuộc tấn công vào vị trí khủng bố IS ở Syria bằng tên lửa hành trình Kalibr, vị trí bấy lâu của tên lửa Mỹ dường như đã mất và thuộc về Nga.
Và mọi chuyện còn tồi tệ hơn với Mỹ và các đối thủ của Nga khi Moscow còn tích hợp tính năng EW vào tên lửa hành trình biến chúng thành vũ khí không thể đánh chặn.