“Vòng đàm phán thứ ba sẽ diễn ra vào ngày mai hoặc ngày kia, chúng tôi đang liên lạc thường xuyên”, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak hôm nay cho biết.
Phát biểu tại thành phố Lviv, phía tây Ukraine, Podolyak cho hay Kiev chỉ chờ phản hồi từ Điện Kremlin để xác nhận thời gian đàm phán.
Các quan chức Nga và Ukraine tham gia cuộc đàm phán lần hai tại khu vực Brest, Belarus, ngày 3/3. Ảnh: Reuters.
Theo văn phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và được đảm bảo rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào cuối tuần.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm, ông Putin “khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại với phía Ukraine, cũng như với tất cả những ai muốn hòa bình ở Ukraine. Nhưng với điều kiện là mọi yêu cầu của Nga đều được đáp ứng”.
Nga yêu cầu Ukraine giữ vị thế trung lập, cam kết không triển khai vũ khí hạt nhân, “phi phát xít hóa”, công nhận Crimea là một phần của Nga và công nhận độc lập vùng ly khai ở đông Ukraine.
“Hy vọng trong vòng đàm phán thứ ba, các đại diện của Kiev sẽ có lập trường hợp lý và mang tính xây dựng”, Điện Kremlin nói thêm.
Nga - Ukraine đã trải qua hơn 8 ngày giao tranh. Lực lượng Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này.
Phái đoàn Nga và Ukraine hôm 3/3 đàm phán lần hai tại Belarus. Hai bên nhất trí lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường tại các khu vực bị bao vây, nhưng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán, nhưng vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự khi các cuộc hội đàm diễn ra, bởi Nga không thể cho phép “cơ sở hạ tầng quân sự” tiếp tục tồn tại ở Ukraine như một mối đe dọa với Nga.
Trong khi đó, quốc hội Ukraine hôm 3/3 thông qua nghị quyết kêu gọi Liên Hợp Quốc triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình tới nước này để “bảo vệ dân thường”. Ukraine từng nhiều lần nêu đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào khu vực miền đông ly khai của nước này, song không được chấp thuận.