Theo ghi nhận, các “ông lớn” như: Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II, BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh chú trọng thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư bằng cách “chạy” các chương trình tiết kiệm dự thưởng có giá trị hấp dẫn như: xe ô tô, xe máy, sổ tiết kiệm...
Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II triển khai hiệu quả chương trình tiết kiệm dự thưởng.
Thời gian qua, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã triển khai chương trình tiết kiệm dự thưởng kỷ niệm 5 năm thành lập chi nhánh. Cơ cấu giải thưởng của chương trình gồm 1.122 giải với tổng giá trị gần 1,4 tỷ đồng, trong đó giải đặc biệt là xe ô tô Toyota Corola Cross, trị giá 854 triệu đồng. Chỉ sau 5 tháng triển khai, đơn vị đã thu hút trên 1.100 tỷ đồng.
Theo ông Võ Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II, đến nay, tổng nguồn vốn huy động toàn chi nhánh đạt 13.330 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022. Từ đây, tạo nguồn lực để chi nhánh tiếp tục đầu tư cho vay phục vụ nền kinh tế trong dịp cuối năm, nhất là lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, thị trường bán lẻ...
Tại Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh, đến ngày 30/11/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Nguyên nhân tăng trưởng huy động vốn chủ yếu là xuất phát từ niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu Vietcombank. Ngoài ra, thời gian qua, các kênh đầu tư như: bất động sản, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi thực sự tích cực nên phần lớn người dân trên địa bàn vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm để đảm bảo an toàn.
Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn như: HDBank, Bắc Á Bank, ACB, MB Bank... lại có chiến lược thu hút dòng tiền nhờ áp dụng biểu lãi suất huy động hấp dẫn (giai đoạn 6 tháng đầu năm). Từ tháng 7/2023 trở đi, khi lãi suất tiền gửi “hạ nhiệt”, các “nhà băng” lại chú trọng thiết kế và triển khai các gói tiết kiệm với lãi suất ưu đãi dành riêng cho nhiều phân khúc khách hàng.
Bà Phan Thị Minh Thái - Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng - Kho quỹ, Bắc Á Bank Hà Tĩnh cho biết: “Đơn vị triển khai đa dạng các gói huy động vốn đặc thù như: “Tiết kiệm cho người cao tuổi”, “Tiết kiệm người xây tổ ấm”, “Tiết kiệm lực lượng vũ trang”, “Tiền gửi trực tuyến”... với lãi suất được cộng thêm từ 0,04 - 0,2%/năm so với lãi suất thông thường đã thu hút nhiều phân khúc khách hàng. Năm 2023, chi nhánh đặt mục tiêu huy động đạt 3.480 tỷ đồng và đến thời điểm này đã đạt trên 3.800 tỷ đồng".
Nhiều khách hàng ở Hà Tĩnh vẫn lựa chọn kênh gửi tiết kiệm để đảm bảo an toàn.
Chị Nguyễn Thị Lan (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Mặc dù lãi suất tiền gửi hiện nay đã giảm so với thời điểm đầu năm, tuy vậy, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, chúng tôi vẫn ưu tiên lựa chọn kênh gửi tiết kiệm tại các ngân hàng để đảm bảo an toàn”.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, mặc dù lãi suất huy động trong năm 2023 có xu hướng giảm dần nhưng với việc triển khai nhiều chương trình ưu đãi, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt mức tăng trưởng tốt. Đến đầu tháng 11/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 96.745 tỷ đồng, tăng 17,67% so với cùng kỳ và tăng 14,8% so với cuối năm 2022 (trong khi kế hoạch đặt ra năm 2023 là tăng 13% trở lên). Trong đó, tiền gửi tiết kiệm đạt 72.401 tỷ đồng, tăng 16,45% so với cuối năm 2022, tiền gửi thanh toán đạt 24.344 tỷ đồng, tăng 11,45% so với cuối năm 2022.
Ước đến thời điểm 31/12/2023, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh đạt 98.252 tỷ đồng, tăng 16,59% so với cuối năm 2022.
Hoạt động giao dịch tại Bắc Á Bank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng Hà Tĩnh còn triển khai nhiều giải pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. So với đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ tại địa bàn giảm từ 0,5-2,7%/năm ở các kỳ hạn. |