Sáng 31/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết ngành TN&MT năm 2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Điểm cầu Hà Tĩnh do Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nguyễn Thanh Điện điều hành. |
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nguyễn Thanh Điện chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Năm 2021 với nhiều khó khăn thách thức nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, toàn ngành TN&MT đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra đầu năm, đóng góp trực tiếp, quan trọng cho phát triển KT-XH, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ TN&MT đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên trong phát triển KT-XH, nút thắt về quỹ đất đai được giải quyết, nguồn thu ngân sách từ đất đai đạt gần 15,2% ngân sách nội địa; nguồn thu từ khoáng sản đạt 4.589 tỷ đồng; nguồn thu từ tài nguyên nước đạt khoảng 5.900 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy với 95% số thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn; 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính.
Kinh tế biển, tiềm năng lợi thế của các vùng biển, các địa phương có biển được phát huy đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển.
Sở TN&MT Hà Tĩnh đã chủ động nguồn vật liệu xây dựng cho thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 94,71%. Các mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp được triển khai ở nhiều địa phương.
Nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, tiệm cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới; sai số dự báo bão thấp góp phần giảm hơn 54%, thiệt hại về người, 78% thiệt hại về tài sản so với trung bình 10 năm vừa qua.
Thiết lập các nền tảng hạ tầng số cho xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường, công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Chất lượng môi trường tại 3 doanh nghiệp có nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Trong ảnh: Có 24 trạm quan trắc tự động để giám sát nguồn thải của Formosa Hà Tĩnh.
Để phấn đấu hoàn thành 11 mục tiêu đề ra trong năm 2022, Bộ TN&MT đưa ra 3 giải pháp đột phá là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, trình Quốc hội Luật đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); xây dựng các nền tảng hạ tầng số, đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phục vụ phát triển KT-XH và cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường; nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật và thanh tra, kiểm tra, giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, thay đổi tư duy, phương thức quản lý bảo vệ môi trường...
Trong năm 2021, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã hoàn thành phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2021 của 13/13 huyện, thành phố, thị xã. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện xác định giá đất cụ thể năm 2021 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch định giá đất cụ thể (bổ sung) năm 2021. Hoàn thành và tham mưu trình UBND tỉnh đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đến năm 2025 và những năm tiếp theo; giám sát, theo dõi nước thải, khí thải thông qua hệ thống quan trắc tự động, liên tục đã được kết nối về sở đối với 3 dự án có nguồn thải lớn. Năm 2022, Sở TN&MT tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư có vướng mắc liên quan lĩnh vực ngành, chậm triển khai trong nhiều năm, tạo điều kiện thúc đẩy, đầu tư dự án, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19. |
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, trong năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 tới mọi mặt của nền kinh tế nhưng với sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, GDP cả nước năm 2021 vẫn tăng 2,58%, trong đó, có sự đóng góp lớn từ ngành TN&MT. Tuy nhiên, ngành cũng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khắc phục các tồn tại đã được chỉ ra về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính liên quan tới cấp phép.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ảnh VGP.
Phó Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, Bộ TN&MT cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo cụ thể để đảm bảo trình Quốc hội dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển, điện gió ngoài khơi, khai hoang, lấn biển; rà soát, có phương án xử lý các dự án chậm tiến độ, tránh gây lãng phí đất đai; chuẩn bị tốt nguồn vật liệu san lấp, đảm bảo tiến độ khi thi công các dự án trọng điểm quốc gia; có giải pháp kiểm soát tốt nguồn xả thải, kiên quyết xử lý các vi phạm về ô nhiễm môi trường; tích cực xây dựng tài nguyên số, hạ tầng số, thực hiện chuyển đổi, phát triển kinh tế số ngành TN&MT; nâng cao công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, quan tâm đầu tư trang thiết bị mạng lưới khí tượng giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai...