Âm nhạc vốn là một phần không thể thiếu trong các đám cưới từ nông thôn tới thành thị. Tuy nhiên, ngày nay, âm nhạc đám cưới ngày càng biến tướng, cuộc vui trở nên náo động như vũ trường khiến quan khách lẫn hàng xóm đều phải trải qua những cảm xúc tiêu cực.
Mới đây, khi về dự đám cưới cháu ở quê, ông chú họ tôi (ở Hà Nội) đã lắc đầu ngán ngẩm vì sự biến tướng trong khâu tổ chức. Bao nhiêu năm xa quê, trong ký ức của ông, đám cưới ở quê vẫn được tổ chức giản dị, nhẹ nhàng, là nơi để họ hàng, làng xóm gặp gỡ, hàn huyên nhưng hiện thực lại khiến ông thở dài.
Đêm vui (trước lễ cưới chính thức), thay vì ăn trầu, uống nước, rồi ai chúc phúc thì lên hát ít bài thì nay trở thành một đêm nhạc sôi động. Sau vài bài hát là những bản nhạc sàn được mở hết công suất. Kéo theo đó là tiếng hú, hét, reo hò của thanh niên khiến người già, trẻ nhỏ đều phải bỏ cuộc sớm. Vin vào “trăm năm mới có một lần” trong các đám cưới, nhiều bạn trẻ đều muốn tạo ra một vũ trường rồi “quẩy” hết mình. Âm thanh mở lớn khiến cả một vùng náo động, không chỉ trẻ con không tập trung học bài, người già cũng không yên giấc.
Không chỉ ở đêm tiệc vui, tại lễ cưới chính thức, nhiều đám cưới vẫn “ồn ã” với đủ thể loại âm thanh, khiến người tham dự cảm thấy mệt mỏi. Anh L.N. ở TP Hà Tĩnh cho biết: “Gần đây, tôi thấy ở nhiều đám cưới, người dẫn chương trình hoạt ngôn thái quá, nói luyên thuyên từ đầu đến cuối, thậm chí, có nhiều câu từ thiếu lịch sự. Thêm vào đó, có nhiều đám cưới “Tây hóa”, có những tiết mục không phù hợp với văn hóa phương Đông. Đi đám cưới nhiều khi như đi xem một show diễn nhạt, thiếu đi sự trang trọng, ấm cúng cần có”.
Một số đám cưới tổ chức tại nhà hay nhà hàng, khách sạn vẫn còn phô trương bằng việc tặng vàng, tặng quà. Đây lẽ ra là một phong tục đẹp với chỉ một vài người thân lên để trao tặng thì có lúc lại bị biến thành một trò lố. Một số gia đình đã biến bữa tiệc thành dịp "khoe khoang" về vật chất bằng các "tiết mục" tặng quà rườm rà. Những đám cưới như vậy có phần thiên về yếu tố vật chất mà xem nhẹ yếu tố hạnh phúc tinh thần như bản chất vốn có của sự kiện trang trọng, ý nghĩa này.
Nhớ lại những đám cưới ngày xưa, cũng âm nhạc xập xình nhưng chừng mực, cũng có người dẫn chương trình nhưng nói năng từ tốn, lịch sự, cũng có người thân trao quà nhưng chỉ là tượng trưng, đại diện. Đặc biệt, khi đã mời quan khách vào tiệc thì âm thanh được điều chỉnh nhỏ lại để mọi người cùng chúc tụng nhau.
Ngày nay, cũng có nhiều bạn trẻ lựa chọn những hình thức tổ chức đám cưới nhẹ nhàng, tiết kiệm, không phô trương nhưng cũng không kém phần trang trọng khiến ngày vui của mình thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đám cưới “náo động”, lệch lạc so với những chuẩn mực văn hóa xã hội. Để khắc phục điều này, thiết nghĩ, hơn đâu hết chính là sự thay đổi nhận thức, ý thức của những người trong cuộc; kế đến là công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương. Có như vậy, “ngày vui” mới thật sự vui…