Theo thông lệ, mỗi khi các gia đình có đám cưới, bên cạnh bánh kẹo, trà nước... đều luôn chuẩn bị thuốc lá để mời họ hàng, quan khách. Vì thế, việc hít khói thuốc lá thụ động tại các bàn tiệc trong đám cưới đã trở thành nỗi khổ khó nói của nhiều người.
Chị Trần Thanh Nhàn (phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Dù được tổ chức tại nhà riêng hay ở những nhà hàng, trung tâm tiệc cưới thì điếu thuốc lá vẫn xuất hiện như một “thủ tục” không thể thiếu, nhiều người còn vô tư hút thuốc trên bàn ăn. Trong không gian đông người, chỉ cần có 1 người hút thuốc lá đã khiến không khí trở nên ngột ngạt, ảnh hưởng tới sức khỏe của những người xung quanh”.
Tại nhiều đám cưới, thuốc lá là vật phẩm không thể thiếu. (Ảnh minh họa từ Internet).
Với các gia chủ, vì sự ái ngại nên khi gia đình tổ chức đám cưới, họ vẫn bày biện thuốc lá để mời khách. Việc này vô tình đã khiến những người nghiện thuốc lá khó cai thuốc hơn.
Ông Nguyễn Văn Thắng (xã Thạch Xuân, Thạch Hà) cho biết: “Theo quan niệm của người Việt, “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là 3 việc đặc biệt quan trọng của đời người, cần phải chu đáo, để tránh “ma chê, cưới trách”. Thế nên, dù biết rõ hút thuốc lá có hại song vợ chồng tôi vẫn quyết định bày biện thuốc lá để tiếp đãi quan khách trong đám cưới con trai vì sợ bị chê trách”.
Để nói “không” với việc hút thuốc lá tại các đám cưới, vấn đề cốt lõi là phải nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng. Khi nhận thức thay đổi, mỗi người mới có sự chủ động hơn trong việc từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tổ chức lễ thành hôn vào đầu tháng 10/2023, vợ chồng anh Trần Quốc Thuần (xã Sơn Giang, Hương Sơn) chủ trương thực hiện đám cưới văn minh, lịch sự. Theo đó, gia đình đã tổ chức đám cưới đúng với phong tục địa phương, không tổ chức ăn uống quá linh đình, lãng phí, không sử dụng thuốc lá tại bữa tiệc...
Đám cưới của vợ chồng anh Thuần được tổ chức văn minh, lịch sự.
Anh Thuần chia sẻ: “Đám cưới là ngày vui lớn nhất của đời người, vì thế, vợ chồng tôi không muốn những vị khách quý của mình phải khó chịu khi hít phải khói thuốc lá nên quyết định không bày biện thuốc lá. Nếu ai có ý định hút thì gia đình tôi cũng nhắc nhở họ ra ngoài”.
Thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành đoàn Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn định hướng các tiêu chí về mô hình “cưới văn minh, tiết kiệm trong đoàn viên thanh niên”.
Bí thư Thành đoàn Nguyễn Phi Khanh cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền tổ chức cưới thực hiện theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; các thủ tục dạm ngõ, rước dâu đơn giản... thì việc không sử dụng thuốc lá để tiếp khách cũng được chúng tôi phổ biến rộng rãi tới các đoàn viên thanh niên. Trước những tác động nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người thì việc không sử dụng thuốc lá để tiếp khách trong đám cưới là cần thiết”.
Việc không hút thuốc lá tại các đám cưới, đám tang... cũng góp phần thực hiện nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, coi đó là tiêu chí quan trọng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ông Võ Tá Kỷ - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) cho biết: “Ngoài việc tăng cường tuyên truyền không hút thuốc lá tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, chúng tôi cũng đã đưa nội dung hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong việc cưới, việc tang... vào quy định xây dựng nếp sống văn hóa mới. Đồng thời, chúng tôi cũng tuyên truyền nội dung nói không với hút thuốc lá gắn với các quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Việc hút thuốc lá thụ động cũng nguy hại như việc hút trực tiếp. (Ảnh minh họa từ Internet).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khói thuốc có khoảng 7.000 hóa chất khác nhau, có 250 chất gây hại cho sức khỏe và có đến 70 chất gây ung thư. Lượng khói tỏa từ thuốc lá ra môi trường xung quanh chứa chất độc hại tương tự như lượng khói hút vào cơ thể.
Vì thế, những người hút thuốc lá thụ động cũng sẽ bị ảnh hưởng như người hút trực tiếp. Việc này khiến họ cũng có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim hay ung thư phổi, ung thư thanh quản...
Điều 6 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá: Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. |