Nghề đan bèo tây đã thu hút 25 chị em phụ nữ ở thị trấn Cẩm Xuyên tham gia. (Ảnh tư liệu)
Gắn bó với nghề đan bèo tây từ tháng 5/2021, chị Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1988, trú tại tổ dân phố 12, thị trấn Cẩm Xuyên) cho biết: “Khi có lớp học đan lát bèo tây tôi đã xin tham gia học nghề bởi mong muốn có thêm thu nhập những lúc nông nhàn.
Với mỗi sản phẩm hoàn thành (rổ rá, khay đựng...), tôi nhận được 30 nghìn đồng tiền công. Ngày công tuy không quá cao, nhưng “năng nhặt chặt bị”, mỗi ngày tôi cũng có thể kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Nhờ đó tôi có thêm thu nhập ổn định hàng tháng, giúp gia đình có cuộc sống thoải mái hơn, góp thêm phần vào chi phí sinh hoạt”.
Không cần bỏ vốn cũng như kỹ thuật đan khá dễ học nên nghề đan bèo tây được chị em phụ nữ thị trấn Cẩm Xuyên đón nhận và gắn bó.
Được biết, các sản phẩm làm từ bèo tây như: giỏ, rổ đựng đồ được chị em phụ nữ thị trấn Cẩm Xuyên làm theo đơn đặt hàng của Công ty Xây dựng & Thương mại Huy Phong (Cẩm Xuyên). Công ty cung cấp bèo đã qua xử lý và các khung sắt được làm sẵn, người đan làm theo yêu cầu, sau đó nhân viên sẽ đến tận nơi nhập hàng. Công việc này vừa phù hợp với người nông dân không bị gò bó thời gian vừa không cần bỏ vốn nên được bà con thị trấn Cẩm Xuyên đón nhận và gắn bó.
Bà Hồ Thị Hoa (SN 1963) - Tổ trưởng tổ đan bèo tây của thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: “Qua gần một năm theo nghề tôi đã quen tay và có thể chỉ dạy lại cho những người mới. Hiện tại, tổ đan bèo tây của chúng tôi đã có 25 thành viên. Các chị em đều nhận thấy nghề này phù hợp với người nông dân nên chúng tôi đều yêu thích và quyết tâm gắn bó lâu dài".
"Tôi hy vọng nghề đan bèo tây sẽ được phát triển hơn nữa, góp phần cải thiện kinh tế của các gia đình nông thôn, giải quyết tình trạng nông nhàn cho nông dân mỗi khi mùa vụ kết thúc”, bà Hoa cho biết thêm.
Tổ hợp tác đan bèo tây tại xã Tùng Lộc thu hút 50 thành viên trong xã tham gia.
Thời gian qua, tại huyện Can Lộc, nghề đan bèo tây cũng phát triển mạnh tại các địa phương: Tùng Lộc, Quang Lộc, thị trấn Nghèn…
Tháng 9/2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tùng Lộc đã mạnh dạn liên kết với các đầu mối để đưa nghề về với bà con nông dân, giúp họ có thêm nghề phụ để nâng cao thu nhập.
Với nghề đan bèo tây, không riêng gì phụ nữ mà nhiều nam giới cũng tận dụng lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Nhiều người lớn tuổi cũng chọn nghề này để làm vì nghề giúp họ có thêm tiền trang trải cuộc sống.
Công việc đan đồ thủ công từ cây bèo tây đem lại cho ông Nguyễn Viết Trung thu nhập từ 3 - 3.5 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Nguyễn Viết Trung (SN 1962, trú tại thôn Đông Quang Trung) - Tổ trưởng Tổ hợp tác đan bèo tây ở xã Tùng Lộc cho biết: “Nghề này tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó nên phù hợp với điều kiện của đại đa số người dân ở vùng nông thôn.
Hơn thế, chúng tôi còn tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương là những cây bèo tây. Vào ngày nắng, bà con sẽ đi cắt bèo tại các ao, hồ, sông trong và ngoài xã. Cây bèo tây dài khoảng 60 - 80 cm sẽ được cắt và phơi khô rồi chuyển đến Công ty Xây dựng & Thương mại Huy Phong để xử lý nhằm tránh ẩm mốc, sau đó họ sẽ chuyển lại cho chúng tôi nguyên liệu và khung để đan”.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, lại được bao tiêu sản phẩm nên bà con nông dân xã Tùng Lộc rất yên tâm khi tham gia làm nghề.
Ngoài ông Trung, nghề đan bèo tây còn là nghề “tay trái” của gần 50 thành viên khác trong tổ hợp tác. Công việc này đem lại cho bà con một khoản thu nhập từ 3 – 3,5 triệu đồng mỗi tháng, so với mặt bằng chung ở nông thôn cũng là một khoản tiền khá, giúp người dân đỡ vất vả hơn.
Từ khi có nghề đan bèo tây, nhiều nông dân Tùng Lộc, nhất là chị em phụ nữ không còn phải vất vả bươn chải bằng những nghề tay chân nặng nhọc mà kinh tế gia đình lại được cải thiện đáng kể. Nghề này giúp họ có thể tận dụng mọi thời gian rảnh để làm mà vẫn sắp xếp được công việc trong nhà, có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái học hành.
Người dân xã Tùng Lộc thường xuyên đi cắt bèo tây tại các khu vực sông, hồ ở địa phương, góp phần giải quyết vấn nạn bèo tây “lấp sông” chắn dòng chảy.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tùng Lộc Võ Thị Hồng cho biết: “Bước đầu, nghề đan bèo tây đã phát huy được lợi thế, phù hợp với mọi lứa tuổi do công việc nhẹ nhàng, có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm mà lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, góp phần cải thiện môi trường.
Khi đã quen việc, mỗi ngày người đan có thu nhập hơn 100 nghìn đồng. Hiện nghề này tại xã Tùng Lộc đã thu hút hơn 50 người tham gia tại các thôn Bắc Tân Dân, Nam Tân Dân, Tân Hương…".
Với những lợi thế mà nghề đan bèo tây mang lại, ngày càng có thêm nhiều bà con nông dân tham gia làm nghề.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động thêm bà con cùng tham gia đan bèo tây, thành lập thêm các tổ hợp tác tại từng thôn nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người dân cũng như góp phần giải quyết vấn nạn bèo tây “lấp sông” chắn dòng chảy trên địa bàn”, bà Võ Thị Hồng cho biết thêm.