Nghiên cứu giải pháp chống lây lan virus trong khoang máy bay

Theo Boeing, hãng đang phát triển mô hình trên máy tính mô phỏng môi trường trong khoang máy bay và sẽ sớm tìm ra cách thức ngăn chặn virus lây lan.

Nghiên cứu giải pháp chống lây lan virus trong khoang máy bay

(Nguồn: Getty Images)

Hai tập đoàn sản xuất máy bay lớn là Boeing và Airbus hiện nghiên cứu tập tính hoạt động của virus SARS-CoV-2 trong khoang máy bay để tìm kiếm giải pháp kiểm soát những nguy cơ do chủng virus nguy hiểm này gây ra nhằm chuẩn bị cho sự trở lại của ngành hàng không thế giới trong thời gian tới.

Hiện tần suất các chuyến bay trên thế giới đã giảm xuống mức rất thấp do chính phủ các nước đóng cửa biên giới và kêu gọi người dân ở nhà và không di chuyển bằng đường hàng không.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại New York, tờ Wall Street Journal số ra 26/5 cho hay một nhóm chuyên gia gồm các học giả, kỹ sư và chuyên gia y tế sẽ nghiên cứu những biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trên máy bay, đảm bảo an toàn cho hành khách thông qua việc đeo khẩu trang chuyên dụng và lọc không khí trong khoang trong suốt hành trình.

Theo Boeing, hãng đang phát triển mô hình trên máy tính mô phỏng môi trường trong khoang máy bay và sẽ sớm tìm ra cách thức ngăn chặn virus lây lan.

Trong khi đó, Airbus cũng đang tiến hành trao đổi thông tin với các trường đại học Mỹ và một số nước khác.

Các kỹ sư của Airbus cũng tìm kiếm phương pháp giảm thiểu sự lây nhiễm virus, gồm cả việc sử dụng những chất liệu tự làm sạch, chất khử trùng có tác dụng tới 5 ngày, và lắp đặt thiết bị không cần chạm tay trong khoang vệ sinh trên máy bay.

Hiện Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã phối hợp với Boeing, Airbus và các chuyên gia của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nhằm đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đối với hành khách cũng như tìm kiếm phương thức giảm thiểu rủi ro.

Theo CDC, các chuyên gia của trung tâm đã phối hợp với FAA và Boeing để đưa ra những khuyến cáo liên quan tới COVID-19 và việc di chuyển bằng máy bay.

Vấn đề kiểm soát dịch COVID-19 lây lan ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết bởi sắp tới nhiều hành khách sẽ bay trở lại khi đại dịch kết thúc.

Ở thời điểm hiện tại, các hãng hàng không cho hay số khách đặt chuyến đã bắt đầu tăng nhẹ sau nhiều tuần đình chỉ hoạt động.

Hôm 22/5, ngay trước kỳ nghỉ Ngày Tưởng niệm ở Mỹ, cơ quan an ninh vận tải Mỹ cho biết đã có 349.000 khách bay trong ngày, con số cao nhất kể từ tháng Ba đến nay dù vẫn kém số lượng khách bay ghi nhận cùng kì năm trước tới 88%.

Boeing cũng dự kiến sẽ chi một khoản tài trợ cho các chuyên gia nghiên cứu vấn đề kiểm soát virus SARS-CoV-2 trong khoang máy bay đồng thời hãng tự nghiên cứu những công nghệ mới nhằm gia tăng độ an toàn khi bay, chẳng hạn như dùng tia cực tím để khử trùng những bề mặt thường xuyên có tiếp xúc.

Theo giới chuyên gia, giải pháp phòng ngừa COVID-19 trong khoang máy bay thực sự là thách thức bởi không thể áp dụng quy định giãn cách xã hội trên máy bay.

Các máy lọc không khí trong khoang máy bay hoạt động thường xuyên và được thay mới thường xuyên cũng chưa đủ để đảm bảo hoàn toàn không lây nhiễm, nhất là trong trường hợp khách ngồi gần người bệnh bị ho.

Kết quả nghiên cứu về những đại dịch trước đây như SARS hay cúm gia cầm cho thấy khách đi máy bay ngồi gần người mắc bệnh có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Trước mắt, các chuyên gia cho rằng việc yêu cầu khách đi máy bay bắt buộc đeo khẩu trang sẽ giảm đáng kể nguy cơ khiến bệnh lây lan qua hắt hơi, ho và nói chuyện.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.