Kim tự tháp Ai Cập được thiết kế cân đối và thẳng hàng đến mức khó tin. Ảnh: Shutterstock
Kim tự tháp Ai Cập là một trong 7 kỳ quan vĩ đại nhất được UNESCO công nhận và xếp hạng vào Di sản thế giới năm 1979. Cho đến nay, nhiều bí ẩn xoay quanh Kim tự tháp vẫn chưa được giải mã, trong đó phải kể đến thiết kế cân đối và thẳng hàng đến mức khó tin của công trình được xây dựng từ 4.500 năm trước này.
Trên thực tế, 3 Kim tự tháp lớn nhất là Khufu, Khafre và Menkaure gần như nằm thẳng hàng với nhau trên mặt đất. Các mặt của Kim tự tháp cũng đạt độ cân đối gần như hoàn hảo. Ngoài ra, các cạnh và đỉnh của chúng còn gần như trùng khớp với các cạnh và đỉnh của la bàn.
3 Kim tự tháp lớn nhất là Khufu, Khafre và Menkaure gần như nằm thẳng hàng với nhau trên mặt đất. Ảnh: iStock.
Việc công trình ấn tượng như vậy ra đời trong thời buổi khoa học công nghệ chưa phát triển được xem là “thần kỳ”. Suốt nhiều thế kỷ, đây là bí ẩn khiến các nhà nghiên cứu thắc mắc.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kiến trúc Ai Cập cổ đại năm 2017, nhà khảo cổ học và kỹ sư người Mỹ Glen Dash đã đưa lời giải thích về cách xây dựng Kim tự tháp. Theo Dash, người Ai Cập cổ có thể đã lợi dụng ngày Xuân phân để tạo ra sự thẳng hàng của các Kim tự tháp.
Ông Dash giải thích, vị trí xây dựng Kim tự tháp rất có thể được xác định dựa trên cột đồng hồ Mặt Trời vào ngày Xuân phân.
Vào ngày Xuân phân, thời gian ngày và đêm dài gần như bằng nhau. Ảnh: Live Science
Cụ thể, ông theo dõi các điểm đổ bóng của cột đồng hồ trong những khoảng thời gian đều đặn. Kết quả cho thấy, khi nối các điểm lại với nhau, ta được một đường cong mượt mà. Đáng ngạc nhiên hơn, điểm đầu và điểm cuối của đường cong trên sau khi nối lại sẽ tạo ra một đường thẳng khớp với hướng Đông – Tây trên la bàn.
Cột đồng hồ Mặt Trời vào ngày Xuân phân tạo nên những đường thẳng và cong hoàn hảo, có thể là cơ sở để thiết kế Kim tự tháp Ai Cập. Ảnh: Live Science
Glen Dash chỉ ra mức độ sai số tương tự được tìm thấy trong sự thẳng hàng của các Kim tự tháp Khufu, Khafre và Menkaure ở Giza. Thử nghiệm được tiến hành ở bang Connecticut (Mỹ), nhưng Dash cho biết điều tương tự sẽ diễn ra ở Ai Cập.
Theo Dash, người Ai Cập cổ đại đã căn chỉnh các Kim tự tháp vào một ngày nắng và họ có thể tính ra điểm Xuân phân bằng cách đếm ngược từ ngày Đông chí.
Bên cạnh đó, bốn mặt của đại Kim tự tháp Giza hơi lõm chứ không phẳng hoàn toàn, tạo nên hiệu ứng 8 mặt độc đáo. Hiệu ứng này chỉ có thể thấy được từ trên không, dưới điều kiện ánh sáng thích hợp: vào lúc bình minh và hoàng hôn vào ngày Xuân phân và Thu phân.
Hiệu ứng 8 mặt độc đáo chỉ có thể nhìn thấy vào ngày Xuân phân hoặc Thu phân của đại Kim tự tháp Ai Cập. Ảnh: Live Science
Dù những lập luận của nhà khảo cổ người Mỹ khá hợp lý và logic, vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy người Ai Cập cổ đại đã làm như vậy.
“Người Ai Cập để lại rất ít manh mối. Không có tài liệu kỹ thuật hoặc bản thảo kiến trúc nào chứng minh cách người Ai Cập cổ đại căn chỉnh bất kỳ ngôi đền hoặc Kim tự tháp nào của họ”, Glen Dash viết.
Xuân phân rơi vào khoảng ngày 21/3 mỗi năm, khi mặt phẳng xích đạo của Trái Đất đi qua tâm Mặt Trời. Vào ngày này, thời gian ban ngày và ban đêm gần như bằng nhau.
Xuân phân cũng được nhiều nền văn minh xem là ngày lành vì đây là thời điểm đánh dấu mùa đông đã qua, mùa gieo trồng đã đến, cây cối đâm chồi nảy lộc.