Trở về từ cuộc gặp mặt cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, ông Phạm Như Ý (SN 1930, trú xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) vẫn chưa hết cảm xúc bồi hồi khi được gặp gỡ các đồng đội xưa, được sống lại ký ức lịch sử hào hùng.
Rồi ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, về con đường giác ngộ lý tưởng và tìm đến với Đảng, với Bác Hồ. "Năm 1947, khi mới 17 tuổi, tôi đã tích cực tham gia hoạt động phong trào đoàn thanh niên tại địa phương. Tôi đã cùng các đoàn viên trong chi đoàn thôn đảm nhận công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho thanh niên; tham gia đào hào giao thông, rào làng chiến đấu; tuần tra, canh gác cánh đồng của thôn ban đêm...", ông Ý cho hay.
Thời gian đó, nhiều đêm làm nhiệm vụ trở về, ông Ý thường đi ngang qua nhà của đồng chí bí thư chi bộ thôn và nhận thấy điều “bất thường” khi thỉnh thoảng lại có người tụ tập, ra vào.
Đem thắc mắc này hỏi anh trai là cụ Phạm Minh Trung (1927 - 1990), ông Ý bị anh mắng “không được quan tâm đến việc không liên quan đến mình”. Thế nhưng, thấy ông cứ gặng hỏi mãi, người anh trai mới nói: “Thế em có biết Đảng là gì không? Có muốn vào Đảng không?”. Thực ra, anh trai của ông Ý lúc đó đã là một đảng viên cốt cán của chi bộ. Sau gần 2 năm được anh trai và các đảng viên giác ngộ, dìu dắt, theo dõi, tháng 12/1949, ông Ý đã được tổ chức kết nạp vào Đảng.
Ông Ý vẫn nhớ như in khoảnh khắc đứng dưới lá cờ Đảng, trước chi bộ tuyên thệ: “Buổi lễ hôm đó tổ chức kết nạp cho tôi và 2 đồng chí trong thôn. Nhìn lá cờ búa liềm treo trang trọng, chi bộ tiến hành các phần việc một cách nghiêm túc, bài bản khiến tôi vừa lo lắng, vừa tự hào. Tôi được cử đại diện đọc lời tuyên thệ, trong giây phút ấy, tôi đã nguyện hứa với Đảng, với các đồng chí, với bản thân mình sẽ cống hiến cuộc đời cho lý tưởng của cách mạng, cho Tổ quốc và Nhân dân”, ông Ý nhớ lại.
Sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông Ý được bầu làm tiểu đội trưởng du kích của thôn. Tháng 6/1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta bước vào giai đoạn mới, ông cùng nhiều thanh niên địa phương xung phong khoác balo ra chiến trường.
Sau thời gian huấn luyện tân binh, ông được biên chế vào Trung đoàn 18 - Sư đoàn 325 (Quân khu IV) đóng quân tại Quảng Bình. Ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở Quảng Bình như: thị xã Ba Đồn, Hoàn Lão (huyện Bố Trạch), Mỹ Hòa (huyện Quảng Trạch), Vĩnh Linh (Quảng Trị)… Từng thoát chết trong gang tấc khi bị một viên đạn xuyên qua lòng bàn tay trong một trận tập kích của địch...
Tháng 1/1954, sau khi ăn tết được 2 ngày, đơn vị của ông nhận được lệnh hành quân qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) tiến sang Trung Lào để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung đoàn 18 có nhiệm vụ ngăn chặn quân địch từ Lào sang chi viện cho chiến trường Điện Biên.
Dù không trực tiếp tham gia các trận đánh ở Điện Biên Phủ nhưng hàng tháng trời, ông Ý cùng các đồng đội trong đơn vị phải hành quân liên tục, "ăn dầm nằm dề" dọc biên giới Việt - Lào, đối mặt với nhiều trận đánh với địch; có những trận phải bơi qua sông vào ban đêm vô cùng vất vả, hiểm nguy.
Sự bám trụ kiên cường, chiến đấu anh dũng của các đơn vị ở biên giới Việt - Lào đã góp phần ngăn chặn quân chi viện; tạo lá chắn vững chắc cho chiến trường chính bước vào những trận đánh mang tính quyết định của chiến dịch.
“Nghe tin chiến dịch toàn thắng từ đài phát thanh của đơn vị, chúng tôi như vỡ òa trong niềm hạnh phúc, mừng tủi. Đơn vị rút quân về Việt Nam. Khi qua địa phận huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), dù thời tiết nắng nóng nhưng hai bên đường, người dân tập trung rất đông, họ bày sẵn các bàn nước uống phục vụ đoàn quân; các em nhỏ tay cầm cờ hân hoan vẫy chào… Tất cả hô vang: Toàn quân Việt Nam chiến thắng trở về!
Sau nhiều tháng ngày chiến đấu trong rừng sâu, thấy cảnh tượng đó, chúng tôi vừa bất ngờ, vừa xúc động, niềm vui chan hòa nước mắt. Trong giây phút đó, mới cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa, niềm tự hào của chiến thắng Điện Biên”, ông Ý bồi hồi nhớ lại.
Giữ trọn lời thề của một đảng viên sống trọn vẹn cho lý tưởng cách mạng, cho Tổ quốc, Nhân dân, sau cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Ý đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở nhiều vị trí công tác tại địa phương như: chủ nhiệm hợp tác xã, xã đội trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Châu…
Tháng 5/1965, ông lại ra chiến trường tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong quân ngũ, ông được đào tạo về quân y, trở thành một y tá trên chiến trường, vừa chiến đấu vừa chăm sóc các cán bộ, chiến sỹ bị thương. Ông cũng được tín nhiệm bầu vào chi ủy, đảm nhận công tác trợ lý huấn luyện, dân vận của đơn vị…
Với những cống hiến cho cách mạng, ông Ý đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng Hạng I, Huân chương Chống Mỹ cứu nước Hạng I, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Phạm Như Ý vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, sống vui vầy bên con cháu. Với cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, ông đã giữ trọn lời thề của một người đảng viên, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.