Chị rón rén như tập làm quen với một thứ mới, chợt chị sửng sốt vì hình ảnh người đàn bà trong gương, trông quen mà lại rất lạ. Chị sực nhớ: phải rồi, đã bao lâu rồi mình chưa soi gương. Với chị, có một chiếc gương nhỏ là đủ rồi, chiếc gương nằm gọn trong ngăn kéo, khi cần chỉ đẩy nhẹ, soi vội một cái xem mặt đã sạch chưa là đủ. Vả lại, với chị, chuyện soi gương hay không đâu có quan trọng. Chị giật mình suy nghĩ: vậy điều gì là quan trọng nhỉ? Chị cũng chẳng rõ nữa. Nếu có thì có lẽ đó chính là cảm xúc của chồng chị. Ừ, hình như là vậy, chị mơ hồ.
Minh họa của Huy Tùng.
Chồng chị đã chết, người ta nói chết là hết, nhưng với chị, người đó vẫn như đang sống, không hẳn vì tình nghĩa vợ chồng hơn 20 năm mà bởi vì cảm xúc của chị đã bị nhốt trong một chiếc lồng vô hình do anh tạo ra, mà cho đến hiện tại chị vẫn chưa thoát ra được.
Lấy hết can đảm, chị nhìn mình thật kỹ trong gương: khuôn mặt đã in vết thời gian với vẻ tiều tụy, mệt mỏi, khóe mắt điểm nhiều vết chân chim, vết nám núa đầy trên má. Lần đầu tiên chị nhìn thật lâu khuôn mặt mình. Đúng là thời gian không lãng quên một ai, nhưng chị lại quên chính mình. Chị đưa tay vờn lên thân thể, bầu ngực đã chảy xệ, làn da có phần thô ráp. Ơ, thế là thân hình thiếu nữ nảy nở ngày nào giờ đã xuống cấp thế này sao? Chị bỗng sợ hãi, vội lấy khăn tắm, lau khô người và mặc đồ vào. Nhưng chị muốn nán lại, muốn nhìn thật lâu vào khuôn mặt mình trong gương, tự dưng chị muốn thế.
Chị không đẹp lắm, nhìn bình thường, khuôn mặt tròn, nước da bánh mật điểm tô cho đôi mắt trầm buồn, không một nét sắc sảo, chị hiền lành và chân quê, thế nên chị vẫn mãi chậm rãi trước nhịp sống hối hả. Chị lấy chồng ở độ tuổi đôi mươi, một cô gái hiền lành, nhút nhát, khi ấy chưa kịp hiểu thế nào là tình yêu. Chỉ biết rằng, trước anh, người con trai bảnh bao, lém lỉnh, chị bỗng thấy trái tim mình đập dồn dập đến khó thở, chị như nở hoa trong lòng khi biết rằng bố mẹ anh hỏi cưới mình.
Chị ở nhà tần tảo lo toan, chăm sóc bố mẹ già, anh lên tỉnh học. Nỗi nhớ chồng luôn canh cánh trong lòng. Thế nhưng, những lời động viên cũng làm chị nguôi ngoai phần nào: Cố gắng lên vì tương lai, chồng đi học, rồi sau này sẽ được nở mày nở mặt. Nói vậy chứ, trong lòng chị cũng chỉ nghĩ rất đơn giản, đã lấy chồng rồi thì luôn nghĩ về chồng chứ đâu có tơ tưởng đến chuyện khác.
Chị ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng và tảo tần nuôi con khôn lớn. Ảnh Internet
Rồi đúng như người ta nói, sự nghiệp của anh như diều gặp gió. Anh từ trưởng phòng, phó phòng rồi giám đốc. Anh về và xây căn nhà rộng hơn, to hơn, bên trong đầy đủ tiện nghi. Ai cũng mừng cho chị, họ nói rằng, số chị là số hưởng, có chồng vừa đẹp trai lại giỏi giang. Thế nhưng, tự trong lòng chị lại có một suy nghĩ rất khác lạ. Nhiều khi chị nghĩ: ước gì chẳng cần giàu sang, địa vị, chỉ cần một cuộc sống bình dị như bao người, miễn vợ chồng yêu thương nhau là đủ.
Chồng chị giờ khác lắm, vẻ ngoài đạo mạo và oai phong. Anh mặc vest lịch lãm và đi xe sang, nhìn toàn diện anh rất đẹp, cả họ nở mày nở mặt. Thế nhưng, ánh mắt anh thật khác, anh nhìn chị vô cùng lạnh lùng. Anh đi công tác trên tỉnh nên chỉ thỉnh thoảng mới về thăm nhà.
Những lúc anh về, chị cố gắng thân mật hơn, nhưng dường như anh chẳng mảy may quan tâm. Chị gói ghém những đồ nhà quê, với suy nghĩ thật đơn giản: “Em chuẩn bị đồ rồi, anh mang đi, đồ ở quê toàn đồ sạch thôi đấy, em làm sẵn hết rồi, anh mang đi cho em yên tâm”. Anh chỉ gạt đi mà rằng: “Thôi, tôi xin, dưới thành phố thì có thiếu thốn cái gì đâu, để ở nhà đi, tôi không mang đâu, ngại lắm. Ở nhà gắng mà chăm sóc mẹ già và con Tí, thiếu cái gì thì bảo tôi”. Nói rồi anh lên xe đi, chẳng để ý gì đến cảm xúc của chị.
Mỗi lần anh về chị đều sửa soạn chu đáo quà quê để anh mang lên nhưng anh đều gạt đi...Ảnh Internet
Thời gian cứ thế trôi đi, chị sống vật vờ như một cái bóng, mong ngóng và đợi chờ. Những tin đồn cứ vẩn vơ quanh đầu chị: “Nó cặp với con gái ông chủ tịch rồi, thằng đàn ông vừa đẹp trai, lại thông minh, học hành tử tế ra đường thì gái nó theo là chuyện bình thường”. Chị thấy nhói lòng, tự thấy mình không xứng với anh. Chị học ít, hiền lành và nhút nhát, người ta nhìn thấy ở chị những nét quê mùa và lầm lũi. Chị làm gì anh cũng thấy không vừa ý, anh hay nóng nảy, cáu gắt với chị. Những lúc như vậy chị chỉ biết thổn thức trong im lặng.
Lần đầu tiên chị một mình xuống thành phố với hy vọng mong manh: “Tất cả chỉ là lời đồn. Anh đối xử lạnh nhạt với chị vì công việc quá bận rộn thôi”. Nhưng không, trái tim chị như tan nát trước những gì chị nhìn thấy. Chồng chị và người phụ nữ ấy thật tình tứ, họ cùng bước xuống xe, mỉm cười rạng rỡ, ánh mắt chồng chị nhìn cô ấy thật khác, vừa dịu dàng, vừa ngưỡng mộ lại tình cảm. Chị chưa bao giờ được anh đối xử như thế. Chị nhìn theo họ, người phụ nữ ấy vừa trẻ trung lại tự tin và có vẻ khá thông minh, đâu có quê mùa và ngốc nghếch như chị.
Chị có ghen, nhưng chỉ nhận lại được những nỗi xót xa: “Thôi, tôi xin mình, đừng có mà suy diễn, tôi đi làm cũng cần có mối quan hệ này nọ, cuộc sống ở thành phố không như ở quê đâu. Nên hãy để yên để tôi còn làm việc, tôi còn lo cho bố mẹ, cho vợ con”. Còn người đàn bà ấy lại vô cùng khéo léo, nét mặt cô ta không một chút sợ hãi, vẻ mặt bình thản cùng giọng nói vô cùng dễ chịu: “Chị ơi, em xin lỗi vì đã làm cho chị hiểu nhầm ạ, em với chồng chị chỉ là quan hệ công việc thôi nha chị”. Sau sự việc bẽ bàng, chị dường như càng tự ti hơn. Vì mặc cảm nên chị lặng lẽ chịu đựng, dù buồn tủi, cô đơn chị vẫn im lặng, chỉ lấy cái Tí làm động lực để sống mỗi ngày.
Bẵng đi đã 20 năm, chị vẫn luôn hy vọng, dù đôi khi cảm thấy rất vô vọng. Cái Tí đã lớn, đã là sinh viên năm cuối, nó hiểu chuyện và thương mẹ nên chị cũng thấy được an ủi phần nào. Cứ ngỡ rằng cuộc sống tẻ nhạt cứ thế trôi đi, nào ngờ, tin anh bị ung thư giai đoạn cuối như sét đánh ngang tai chị.
Chị vội vã thu xếp hành lý xuống viện chăm anh. Nhưng hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chị, người phụ nữ ấy đang chăm sóc anh một cách tỉ mỉ. Cô ta rất lanh lẹn, chị bước vào với vẻ vụng về: “Cô để đó tôi làm cho”. Chị run run đưa tay mình chạm đôi chân của chồng, nhưng anh cáu cẳn, tỏ vẻ khó chịu, giọng anh ráo hoảnh: “Thôi, mình đi về lo cho mẹ già ở nhà đi, tôi ở đây đã có cô ấy lo rồi. Tôi cần một người biết chăm sóc và hiểu ý tôi. Chứ mình ở đây tôi chỉ thêm mệt”. Cái Tí chứng kiến cảnh đó, đôi mắt nó ngấn lệ. Biết tính con, chị vội kéo con bé ra ngoài rồi nhệu nhạo: “Thôi mình đi về thôi con, thương mẹ thì hãy nghe lời mẹ đi con!”.
Những ngày sau đó cái Tí vẫn hậm hực trong lòng, thỉnh thoảng nó vẫn hỏi: “Mẹ, sao mẹ hiền quá, sao mẹ lại để yên như vậy?”. Chị chỉ cười trừ mà rằng: “Thì mẹ biết làm gì được nữa”. Rồi nó gắt lên: “Mẹ, sao mẹ không xuống ở chung với bố, rồi chăm bố, mẹ mới là vợ của bố cơ mà”. Chị kéo cái Tí xuống rồi khẽ thủ thỉ trong nước mắt: “Nhưng bố không cần mẹ, con hiểu không. Mẹ không muốn vì mẹ mà bố phải cáu gắt, khó chịu trong những ngày cuối đời”. Cái Tí gào lên: “Con không hiểu, con không muốn như thế!”. Rồi chạy vù đi trong nước mắt.
Tiếng điện thoại reo lên, họ nói sức khỏe chồng chị đã rất yếu, chỉ chờ chết. Chị vội đến viện mong gặp chồng lần cuối. Chị đã đến nơi, nhưng quá muộn rồi, anh đã chết. Trước mắt chị là anh đang nằm đó, một cái xác vô hồn và người đàn bà kia đang nắm chặt lấy tay anh, gục đầu vào người anh mà khóc nức. Tim đau nhói, chị muốn khóc nức lên nhưng không thể. Khoảnh khắc đó giống như một lần chị được chết. Cho đến cuối cùng, người anh cần, người ở bên cạnh anh vẫn không phải là chị.
Cho đến cuối cùng, người anh cần, người ở bên cạnh anh vẫn không phải là chị .Ảnh Internet
Người đàn bà đó đã có với chồng chị một đứa con trai, cậu bé hơn mười tuổi và giống anh như đúc. Chị bần thần nhưng vẫn kịp hỏi: “Tại sao cô lại theo chồng tôi mà không cần có một danh phận?”. Người phụ nữ mỉm cười chua chát: “Đơn giản vì tôi yêu anh ấy, nên chỉ cần anh ấy yêu tôi là đủ”. Cổ họng chị nghẹn đắng, chị không nói được gì, chị ngồi thụp xuống ghế: “Phải rồi, danh phận để làm gì chứ, cũng giống như chị 20 năm có danh phận là vợ mà cũng như không”. Nước mắt lăn dài trên gò má gầy guộc của chị.
Lúc này đây, khi đứng trước gương, nhìn thật lâu vào khuôn mặt mình trong gương, nghĩ lại chuyện cũ, chị bỗng òa khóc nức nở. Giây phút này chị không oán trách ai hết, chị không trách chồng mình 20 năm lạnh nhạt, không trách người phụ nữ kia chen ngang vào cuộc sống của chị, bởi lẽ cô ta yêu chồng chị thật lòng cơ mà.
Mà chị trách chính mình, chính chị đã không làm chủ được cuộc sống, không chịu thay đổi suy nghĩ, chính chị đã giết chết cảm xúc của mình bao nhiêu năm qua và có lẽ chính chị đã luôn nghĩ rằng: “Chỉ cần anh thích, chỉ cần anh muốn, điều gì chị cũng làm được và chị nghĩ đó là tình yêu trọn vẹn mà chị dành cho anh”. Nhưng chị lại chưa bao giờ từng nghĩ: “Mình thích gì và làm gì để đạt được những điều mà mình thích”.
Cái Tí thấy mẹ khóc liền gõ cửa, nhưng khi nghe mẹ nói không sao nó đã yên tâm hơn. Chị đã khóc như chưa bao giờ được khóc, mà khóc xong lại thấy tinh thần thoải mái hơn. Lau những vệt nước mắt còn vương trên mặt, chị nhìn mình trong gương thầm nghĩ: “Xin lỗi, xin lỗi bản thân này, giờ có lẽ chưa quá muộn phải không?”.
Đẩy cửa bước ra, cô con gái đã đứng đó, nó nhìn chị vẻ lo lắng: “Mẹ ơi, mẹ sao thế?”. Chị nhìn con mỉm cười: “Mẹ không sao đâu”. Rồi chị nhìn nó âu yếm và nhẹ nhàng hỏi: “Mẹ muốn đi làm ở công ty may gần nhà, con thấy có được không, mẹ cũng muốn thay đổi kiểu tóc nữa?”. Con bé nhìn mẹ reo lên sung sướng: “Tuyệt quá mẹ ơi, cuối cùng mẹ đã chịu thay đổi. Mai con sẽ chở mẹ xuống thành phố làm tóc, sau đó con đưa mẹ đi mua sắm và đi chơi nhé. Yêu mẹ nhất trên đời!”.
Tiếng cười của nó giòn tan, chị ôm con vào lòng thì thầm: “Sau bao chuyện xảy ra, cuối cùng mẹ đã hiểu được mẹ cần gì rồi con gái à!”.