Sống khổ bên mỏ sắt Thạch Khê
Video: Lãnh đạo xã Thạch Khê nói về ảnh hưởng của dự án khai thác mỏ sắt đến đời sống Nhân dân.
Ngôi nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Hạnh (60 tuổi, thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê) nằm trong vùng quy hoạch của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê. Nhiều năm nay, bà Hạnh không dám xây mới vì sợ giải tỏa nên phải sống trong cảnh tạm bợ. Gia đình bà cứ thế mòn mỏi sống qua ngày mà không biết mai này sẽ ra sao.
Cuộc sống của gia đình bà Hạnh ngày càng thêm chật vật, khó khăn khi phải mua nước để sửa dụng.
Bà Hạnh nhớ lại, hàng chục năm trước, nơi đây đất đai màu mỡ, gia đình bà từng có gần 5 sào rau màu cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, nhưng giờ đất đai cằn cỗi, trồng cây gì cũng bị héo rũ trong thời gian ngắn. Theo bà Hạnh, để xảy ra hiện tượng này là do quá trình khai thác, hút cát trước đây của dự án làm tụt mạch nước ngầm dẫn tới bị sa mạc hóa đất đai trong vùng.
“Từ khi dự án khởi công rồi lại “đắp chiếu”, cuộc sống của người dân chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi không được sửa sang, làm mới nhà cửa. Nhiều trường hợp muốn thế chấp sổ đỏ để lấy tiền làm ăn cũng không được vì ngân hàng trả lời đang nằm trong diện giải tỏa của dự án. Hơn nữa, sinh kế của bà con cũng không có nên cuộc sống vô cùng khó khăn” - bà Hạnh thở dài.
Video: bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Thanh Lan) mong muốn mỏ sắt sớm dừng hoạt động.
Cũng theo bà Hạnh, suốt nhiều năm qua, cái khổ nhất của người dân sống trong khu vực này là nước bị nhiễm phèn rất nặng, phải xây bể lọc nhưng cũng chỉ để giặt giũ, tắm rửa, còn nước dùng để nấu ăn thì phải đi mua. Gia đình bà đông người, mỗi ngày dùng hết hai bình, mỗi bình mất 10 nghìn đồng, rất tốn kém. Việc dừng hay triển khai dự án là việc của các cấp chính quyền nhưng cần cân nhắc và có quyết định sớm để người dân an tâm, ổn định cuộc sống.
Cách đó không xa, gia đình bà Dương Thị Cúc (63 tuổi, thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bà Cúc cho biết: "Khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động khai thác mỏ sắt thì có hiện tượng các vùng đất trồng lúa, hoa màu bị khô hạn. Đến khi mỏ sắt ngừng hoạt động thì người dân cũng gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vì không được đầu tư mương máng do nằm trong khu vực mỏ. Tôi và mọi người dân ở đây đều mong muốn mỏ sắt dừng hoạt động để đời sống Nhân dân được ổn định”.
Trụ sở làm việc của UBND xã Thạch Khê đã không thể tu sửa từ nhiều năm nay.
Theo lãnh đạo xã Thạch Khê, hiện tại, toàn xã có 7 thôn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 785 ha. Các công ty, xí nghiệp muốn đầu tư dự án cũng không được vì đất đai còn thuộc sự quản lý của dự án mỏ sắt.
Trụ sở của UBND xã thiếu phòng làm việc và phải tận dụng nhà của bộ phận một cửa để có nơi làm việc. Quy hoạch khai thác mỏ sắt đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bà con nhân dân thuộc 4 thôn (Đan Khê, Tân Phúc, Vĩnh Tiến và Thanh Lan).
Nhiều ngôi nhà của người dân xã Thạch Khê phải chịu cảnh xuống cấp mà không thể tu sửa.
Ông Trương Công Hải - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê cho biết: “Sau khi triển khai thực hiện từ năm 2007 đến nay, hệ lụy của dự án mỏ sắt Thạch Khê để lại cho Nhân dân các xã bãi ngang nói chung, xã Thạch Khê nói riêng là vô cùng lớn. Hiện nay, dù dự án đã dừng hoạt động nhưng bờ bao moong mỏ thường xảy ra sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến gần hàng chục ha lúa của người dân, khiến đời sống bà con gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, do địa phương nằm trong vùng quy hoạch của mỏ sắt nên việc quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội không thể thực hiện trong hơn 10 năm nay. Đặc biệt là việc không cấp được đất ở cho người dân khiến nhiều thế hệ phải ở trong một nhà. Đối với cơ sở hạ tầng, hiện nay, trụ sở UBND xã đã xuống cấp trầm trọng, nơi làm việc của công chức, viên chức còn thiếu thốn khiến cho việc tiếp dân gặp nhiều khó khăn”.
Người dân trong vùng quy hoạch của mỏ sắt Thạch Khê luôn mong muốn sớm được ổn định cuộc sống.
Mong muốn mỏ sắt Thạch Khê sớm đóng cửa
Không chỉ người dân Thạch Khê mà người dân 4 xã còn lại nằm trong khu vực dự án, gồm: Thạch Hải, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc cũng luôn mong muốn tỉnh, Trung ương xem xét dừng hẳn khai thác mỏ sắt Thạch Khê để người dân yên tâm sinh sống, tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế và xem xét giải quyết tình trạng tụt hậu của địa phương trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Tá Bình (thôn Thanh Long, xã Đỉnh Bàn) luôn hy vọng về một ngôi nhà mới khang trang.
Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vợ chồng ông Nguyễn Tá Bình (thôn Thanh Long, xã Đỉnh Bàn) vẫn luôn đau đáu, hy vọng về một ngôi nhà mới khang trang. Ông Bình cho biết, gia đình ông sống cách mỏ sắt Thạch Khê chưa đầy 1 km, nằm trong diện di dời từ năm 2007. Thế nhưng, từ khi nhận tiền đền bù đến nay, gia đình vẫn chưa được chuyển về nơi ở mới do phía dự án mỏ sắt Thạch Khê chưa hoàn thiện vùng tái định cư.
“Đất không có, nhà cũng không, vợ chồng tôi đành phải quay về sống trong ngôi nhà cũ xuống cấp, “đi không được, ở không xong”. Người dân hiện chỉ mong muốn dự án ngừng hẳn. Kể từ khi có dự án, sướng đâu không thấy mà chỉ thấy khổ, bà con chúng tôi lo lắm” - ông Bình trầm ngâm.
Bà Đạc luôn lo lắng cuộc sống của con cháu sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường sau khi khai thác mỏ sắt.
Nhìn về hướng mỏ Thạch Khê với ánh mắt đượm buồn, không khỏi lo lắng, bà Nguyễn Thị Đạc (67 tuổi, thôn Thanh Long, xã Đỉnh Bàn) đau đáu một nỗi lo cho thế hệ con em mai sau. Bởi, thông qua báo đài, bà biết được những nguy cơ về môi trường có thể xảy ra khi khai thác mỏ sắt.
"Tôi già rồi, chẳng còn sống được mấy nữa, nhưng khi nghĩ đến thế hệ con cháu sau này phải sống trong cảnh ô nhiễm, không có đất sản xuất, tôi lo lắm. Trước đây, khi dự án mới làm được vài năm mà tác động của nó đã thấy rõ, thiếu nước sản xuất, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt... Tốt nhất là dừng dự án để chúng tôi có cuộc sống yên ổn, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng lại cuộc sống như trước đây, dù nghèo nhưng môi trường luôn đảm bảo, con em được lớn lên bên những nương khoai, luống rau xanh mướt” - bà Đạc thở dài.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng lớn tới công tác xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương.
Ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết, trên địa bàn xã có 3 thôn: Văn Sơn, Thanh Long và Tân Phong với 982 hộ thuộc diện quy hoạch phải di dời để thực hiện dự án mỏ sắt. Việc dự án dừng giữa chừng ảnh hưởng đến công tác xây dựng nông thôn mới. Nhiều dự án phục vụ nhu cầu Nhân dân không được đầu tư, ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương. Việc dự án “đắp chiếu” nhiều năm qua không chỉ ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương mà còn khiến người dân gặp nhiều thiệt thòi, nhất là tư tưởng không ổn định.
"Các hộ nằm trong quy hoạch không được cấp đất, còn đất chưa có sổ đỏ thì cũng không được làm. Chính vì thế, nhiều gia đình có từ 2 - 3 thế hệ cùng chung sống trong một nhà. Điều này khiến người dân rất bức xúc, thường xuyên viết đơn “cầu cứu” lên xã. Cùng chung niềm mong mỏi, nguyện vọng với bà con, chính quyền địa phương rất mong các cấp sớm có phương án dừng hẳn hoạt động của mỏ sắt Thạch Khê để bà con được ổn định cuộc sống” - ông Tùng bày tỏ.
Cần sớm có câu trả lời dứt khoát cho việc dừng hay tiếp tục dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Kể từ ngày khởi công dự án cho đến nay, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê đã để lại bao hệ lụy, khó khăn cho Nhân dân vùng mỏ. Bà con phải sống lay lắt, tạm bợ, thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất trên chính mảnh đất của họ... Rõ ràng, để phát triển bền vững cần có sự đánh giá, rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng của các cơ quan quản lý để việc tái khởi động hay dừng dự án đều bảo đảm các bước phát triển bền vững nhất và để người dân an tâm, đồng thuận.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê dù tạm dừng, dừng hay tiếp tục triển khai thì câu chuyện di dân, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho hàng nghìn người dân xung quanh khu vực khai thác mỏ là vấn đề cần hết sức lưu tâm. Quan trọng nhất là cần sớm trả lời dứt khoát để người dân ổn định cuộc sống.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa phận 6 xã (nay là 5 xã Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc) thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 14.517,2 tỷ đồng (giai đoạn I là 6.777,4 tỷ đồng; giai đoạn II là 7.739,8 tỷ đồng). Mỏ có trữ lượng, tài nguyên mỏ sắt khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Trong đó 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác. Thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm. Tổng diện tích sử dụng đất để thực hiện dự án là 4.821 ha, gồm 3.898 ha trong đất liền và 923 ha lấn biển. Diện tích đất TIC đã ký hợp đồng thuê đất là 552 ha. Có khoảng 7.000 hộ dân (27.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Tháng 9/2009, dự án thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Tuy nhiên, quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện một số bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn tài chính. Đến tháng 11/2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông. |