Giáo sư Sergio Canavero tự tin có thể thực hiện ghép đầu và hồi sinh não đông lạnh trong vòng ba năm tới. Ảnh: The Why. |
Giáo sư Sergio Canavero, bác sĩ giải phẫu thần kinh đầu ngành ở Italy, đang dự tính thực hiện ca ghép đầu đầu tiên trên thế giới trong 10 tháng tới và sau đó bắt đầu thử nghiệm cấy ghép não. Nếu quá trình này thành công, Canavero tin chắc não đông lạnh có thể được rã đông và ghép vào cơ thể người hiến tặng, Telegraph hôm qua đưa tin.
Hàng trăm người mắc bệnh nan y đã quyết định đông lạnh cơ thể hoặc não để bảo quản với hy vọng khoa học sẽ giúp họ hồi sinh trong tương lai và tìm ra cách chữa trị căn bệnh của họ. Dù nhiều chuyên gia nghi ngờ khả năng những cơ quan lớn như não có thể được rã đông mà không chịu tổn thương, giáo sư Canavero tin tưởng có thể sớm làm sống lại chiếc đầu đông lạnh đầu tiên.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Đức Ooom, Canavero nói ông đang lên kế hoạch làm thức tỉnh các bệnh nhân đông lạnh đang được bảo quản tại cơ sở Alcor ở Arizona, Mỹ.
Lý giải phương pháp đông lạnh chờ hồi sinh
"Chúng tôi sẽ cố gắng hồi sinh bệnh nhân đầu tiên không phải trong 100 năm tới. Ngay khi ca ghép đầu diễn ra muộn nhất vào năm 2018, chúng tôi có thể thử đánh thức chiếc đầu đông lạnh đầu tiên. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho ca ghép não đầu tiên trên thế giới, và thực tế, tôi cho rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng trong ba năm tới", Canavero cho biết.
"Ghép não có nhiều lợi thế. Đầu tiên, hầu như không có phản ứng miễn dịch, có nghĩa vấn đề đào thải sẽ không xảy ra. Bộ não là một cơ quan thần kinh. Nếu bạn ghép một chiếc đầu kèm mạch máu, dây thần kinh, gân và cơ, đào thải có thể trở thành vấn đề lớn. Điều này không xảy ra với bộ não", Canavero giải thích.
Valery Spiridonov, bệnh nhân tình nguyện tham gia ca ghép đầu đầu tiên
Tuy nhiên, giáo sư Canavero thừa nhận có những vấn đề về thể chất và tâm sinh lý sẽ xuất hiện khi đặt bộ não vào trong một cơ thể hoàn toàn khác biệt. "Vấn đề đáng ngại là cơ thể bên ngoài ban đầu của bạn sẽ không bao giờ giống như cũ. Đầu của bạn không còn đó, não bạn được ghép vào một hộp sọ khác biệt hoàn toàn. Điều này tạo ra một tình huống mới chắc chắn không hề dễ chịu", Canavero chia sẻ.
Các nhà khoa học Anh tỏ ra hoài nghi liệu những cơ quan đông lạnh phức tạp như não có thể được phục hồi hoàn chỉnh hay không. "Những người ủng hộ phương pháp đông lạnh không thể đưa ra bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh bộ não của động vật có vú có thể sống lại sau khi lưu trữ trong ni-tơ lỏng, chưa kể là cả cơ thể", Clive Coen, giáo sư khoa học thần kinh ở Đại học King, London, nhấn mạnh.
Quá trình ghép đầu nhóm bác sĩ Trung Quốc thực hiện trên 1.000 con chuột
"Ngay cả khi cơ thể có thể hồi sinh, tất cả những cơ quan phức tạp đã bị tổn thương ngay từ đầu, việc làm ấm chúng có thể sẽ đẩy tổn thương lên mức cao hơn. Những tổn thương khó có thể chữa lành là kết quả của quá trình đặt não động vật có vú ở dưới 0 độ C. Suy nghĩ viển vông mà các công ty đông lạnh vẽ ra thể hiện sự vô trách nhiệm", giáo sư Coen nói.
Giáo sư Canavero đang hợp tác với một nhóm chuyên gia Trung Quốc do bác sĩ Xiaoping Ren ở Trung tâm y tế Cáp Nhĩ Tân, người từng tham gia ca cấy ghép tay thành công đầu tiên ở Mỹ. Công nghệ để tiến hành ca cấy ghép đầu đầu tiên trên thế giới sẽ được ứng dụng vào cuối năm nay theo dự kiến.
Dù nhà khoa học vi tính người Nga Valery Spiridonov, một bệnh nhân mắc chứng teo cơ tủy, tình nguyện trở thành bệnh nhân cấy ghép đầu đầu tiên, nhóm bác sĩ cho biết ca thử nghiệm đầu tiên nhiều khả năng sẽ được thực hiện trên một bệnh nhân Trung Quốc, bởi khả năng tìm thấy cơ thể hiến tặng ở Trung Quốc cao hơn.
Con chó có dây cột sống bị đứt có thể đi lại sau điều trị
"Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ cắt lìa cơ thể và phần đầu bệnh nhân trong ca phẫu thuật chưa từng có từ trước tới nay. Ở bước này, không có hoạt động sự sống ở não hay bất kỳ nơi nào khác trong cơ thể. Nếu có thể đưa bệnh nhân hồi sinh, chúng tôi sẽ thu được bản mô tả đầu tiên về những gì thực sự xảy ra sau khi chết. Ca ghép đầu sẽ mang đến cho chúng tôi hiểu biết đầu tiên về thế giới bên kia", giáo sư Canavero cho biết.