Ông Lê Tiến Dũng - người tiên phong trong giữ gìn và phát triển nghề chổi đót truyền thống ở thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ).
Về làng nghề truyền thống làm chổi đót ở thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ), ai cũng biết và khâm phục ông Lê Tiến Dũng. Ngoài việc bén duyên với nghề từ thuở nhỏ, có nhiều kinh nghiệm, có kỹ thuật cao, ông Dũng còn có ý thức giữ nghề, không ngừng tìm tòi, đổi mới để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, dù trải qua bao thăng trầm, sự lấn át của các sản phẩm hiện đại nhưng ông và làng nghề Hà Ân vẫn đứng vững.
Ông Lê Tiến Dũng chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất, tôi đã tự chủ động tìm tòi, nghiên cứu, điều chỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và tạo nhiều chủng loại như chổi cán mây, chổi cán nhựa, chổi dây cước. Khi đã có sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng, sản xuất theo quy mô hàng hóa, bản thân tôi đã trực tiếp đem sản phẩm đi bán để vừa mở rộng thị trường vừa lắng nghe các ý kiên góp ý, phản hồi của người mua”.
Chổi đót do ông Dũng (ngoài cùng bên phải) và người làm nghề ở thôn Hà Ân sản xuất bền, đẹp, được khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua.
Trên cơ sở sản xuất của gia đình mình, cách đây 3 năm, ông Dũng đã đứng ra thành lập Chi hội Nghề nghiệp chổi đót Hà Ân do ông làm chi hội trưởng. Cơ sở sản xuất này đã giúp tăng cường sự liên kết, tương trợ giữa những hộ làm nghề, từng bước mở rộng quy mô làm ăn, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ... Chi hội hiện có 12 gia đình với khoảng 30 lao động và ông Dũng là người đứng ra chịu trách nhiệm cung cấp nguyên vật liệu, bao tiêu sản phẩm.
Hiện tại, gia đình ông Dũng có 3 lao động, mỗi ngày sản xuất khoảng 150 cây chổi đót các loại. Ông vừa là lao động chính trong nhà vừa là đầu tàu trong hoạt động sản xuất của thôn. Với tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề của mình, ông Dũng đã động viên, khuyến khích, hỗ trợ các thành viên khác chăm lo sản xuất để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Vừa sản xuất vừa phân phối, mỗi năm ông Dũng xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 nghìn chổi đót, doanh thu hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận ròng khoảng 200 triệu đồng.
Ông Dũng thường xuyên đến các hộ làm nghề thăm hỏi trao đổi sản xuất và động viên họ phát triển nghề.
Bà Nguyễn Thị Luận – thành viên Chi hội Nghề nghiệp chổi đót Hà Ân cho biết: “Có ông Dũng lo nguyên liệu, bao tiêu đầu ra, động viên làm việc nên mỗi ngày một lao động có thể làm được 50 cái chổi, thu về 150 nghìn đồng tiền công, thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động sản xuất không chỉ gìn giữ được làng nghề truyền thống hàng trăm năm mà còn giúp các gia đình có nguồn thu nhập ổn định, giải quyết được lao động nhàn rỗi nên bà con rất phấn khởi”.
Ông Dũng được tuyên dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Lộc Hà, giai đoạn 2017-2022. Ảnh tư liệu.
Ông Nguyễn Duy Lam - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Hà cho biết: “Sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của ông Dũng đã giúp làng nghề chổi đót truyền thống Hà Ân đứng vững và ngày càng phát triển. Để góp phần động viên, khuyến khích bà con giữ nghề, có thêm vốn làm ăn, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Lộc Hà vừa hỗ trợ cho Chi hội Nghề nghiệp chổi đót Hà Ân 600 triệu đồng và hộ gia đình ông Dũng 80 triệu đồng”.
“Ông Dũng là nông dân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong huyện. Không chỉ chịu khó trong làm ăn, trách nhiệm trong giữ nghề mà ông còn tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo. Hằng tháng, hằng quý, ông trích ra một khoản lợi nhuận bỏ vào ống tiết kiệm để giúp đỡ những gia đình khó khăn, nấu cháo tình thương cho bệnh nhân ở bệnh viện, hỗ trợ quỹ khuyến học ở địa phương, làm đường điện thắp sáng làng quê…”, ông Nguyễn Duy Lam đánh giá thêm.