Bà Nguyễn Thị Hằng cẩn thận chọn lựa mâm ngũ quả.
Nhanh tay chọn những quả lê tươi ngon, bà Nguyễn Thị Hằng (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Rằm tháng Giêng là lễ lớn của người Việt. Năm nào cũng vậy, ngày 13 âm lịch là tôi phải tranh thủ ra chợ mua quả và hoa cúc, cau trầu, vàng mã để bày lên bàn thờ tổ tiên”.
Chị Nguyễn Thị Linh (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Theo quan niệm của cha ông ta “cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”, vì vậy dù giá có đắt hơn ngày thường thì người dân vẫn không quá so đo".
Chị Trương Thị Hương tư vấn các loại hoa quả cho khách hàng.
Ghi nhận tại chợ TP Hà Tĩnh, tiểu thương nhập về đa dạng loại hoa quả với số lượng lớn. Chị Trương Thị Hương – tiểu thương bán hoa quả tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Đợt này có nhiều loại quả để người dân chọn làm mâm ngũ quả như cam, táo, nho, nhãn, na, bưởi, thanh long, xoài… Người dân chủ yếu tập trung mua trước chính rằm 1 - 2 ngày.
Từ sáng nay (13 âm lịch), khách ghé quầy hàng tăng đáng kể. Vì là đồ lễ nên khách nào cũng chọn kĩ những quả tươi, to đẹp, có cuống lá”.
Mâm ngũ quả được người dân chọn kỹ với những quả to tròn, bóng mịn.
Giá cả các loại hoa quả phổ biến như: nhãn, vú sữa 50.000 đồng/kg; cam chanh, thanh long đỏ, thanh long trắng 25.000 - 35.000 đồng/kg; táo Mỹ 120.000 đồng/kg; xoài Cát Chu khoảng 50.000 đồng/kg; cam bù 35.000 - 50.000 đồng/kg; nho Ninh Thuận 90.000 đồng/kg; na từ 65.000 - 80.000 đồng/kg,...
Chuối xanh là loại quả bán rất chạy vào thời điểm này. Giá mỗi nải chuối dao động từ 30.000 đồng đến hơn 100.000 đồng. Nếu so với mặt bằng chung của hoa quả ngày thường thì chuối hiện là mặt hàng tăng giá nhiều nhất.
Các sạp hàng chuối hút khách trong những ngày này.
Cùng với trái cây, hoa tươi như hoa cúc vàng, cúc trắng… có sức tiêu thụ mạnh dịp này. Chị Nguyễn Thị Hoa - tiểu thương kinh doanh hoa tươi tại chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Năm nay, từ trước tết giá hoa cúng khá cao vì vậy giá mặt hàng này chắc chắn sẽ giữ nguyên cho đến hết rằm."
Hiện, hoa cúc vàng và trắng có giá từ 8.000 - 9.000 đồng/bông; hồng thường có giá 6.000 - 7.000 đồng/bông; hoa đồng tiền 15.000 đồng/bông; hoa 5 màu dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/bó; hoa lay ơn từ 70.000 – 80.000 đồng/chục...
Chị Hoa (bên trái) tất bật sơ chế hoa tươi, kịp trả đơn cho khách hàng.
Trái ngược với sự tăng giá của hoa tươi và chuối xanh, giá cau trầu ổn định. Mỗi đĩa cau trầu (1 quả cau và 1 lá trầu) từ 10.000 – 15.000 đồng, tùy vào độ đẹp của quả cau.
Chuẩn bị cho ngày rằm tháng Giêng năm nay, cùng với hàng mã với những mẫu mã phong phú, đủ các loại giá tiền thì ở các chợ truyền thống còn sôi động các mặt hàng phục vụ việc thả phóng sinh. Nhiều nhất vẫn là các loại: chim, ốc, lươn... Hiện tại, giá lươn, chạch khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, ốc từ 10.000 - 20.000 đồng/kg; chim ri từ 36.000 - 40.000 đồng/cặp, chim sẻ dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/cặp.
Các quầy hàng vàng mã luôn chật kín khách.
Gà trống là một trong những mặt hàng “đắt” khách, được người dân lựa chọn để làm lễ cúng rằm tháng Giêng. Chị Lê Thị Hải (xã Yên Hoà - huyện Cẩm Xuyên) – bán gà tại chợ TP Hà Tĩnh cho hay: “Giá gà từ giao động từ 110.000 – 130.000 đồng/kg; gà trống già, lông mượt, đuôi dài cong và mào đỏ được bán với giá 140.000 đồng/kg".
Bên cạnh đó, các loại thực phẩm khác như thịt bò, thịt lợn giá vẫn bình ổn. Cụ thể, thịt lợn từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, thịt bò giao động 220.000 - 230.000 đồng/kg.
Có thể nói ngày rằm tháng Giêng trong tiềm thức của người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng là một ngày khá quan trọng nên những bà nội trợ đều cẩn thận lựa chọn các thực phẩm tươi, ngon để làm mâm cỗ cúng cho đàng hoàng, thịnh soạn nhất. Đây là dịp thể hiện lòng thành kính của bậc con cháu đối với ông bà, tổ tiên đã phù hộ mang sự bình yên đến cho cả gia đình.