“Người là niềm tin tất thắng”

(Baohatinh.vn) - “…Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”, ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên reo vang như trào dâng niềm tự hào của cả dân tộc trong ngày vui đại thắng, ngày mà bao thế hệ người Việt Nam mong chờ suốt dặm dài lịch sử.

“Người là niềm tin tất thắng”

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong ngày vui thống nhất non sông, mỗi người Việt Nam tự hào, biết ơn Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng thân mình cho độc lập tự do, cho giang sơn gấm vóc.

Ý chí giành độc lập, tự do cho nước nhà và hạnh phúc cho Nhân dân đã trở thành lý tưởng, lẽ sống, phương châm hành động trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ước nguyện giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của Người luôn nung nấu tâm can, đã trở thành sức mạnh tinh thần của cả dân tộc để làm nên chiến thắng.

“Người là niềm tin tất thắng”

Ngày 9/11/1964, Bác đến thăm đơn vị không quân Sao Đỏ tại sân bay Nội Bài. Ảnh tư liệu

Ngay từ tháng 6/1946, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Bác Hồ đã khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(1). Lời khẳng định của Bác đã trở thành thông điệp mạnh mẽ, kiên định về tính thống nhất, bền vững của dân tộc Việt Nam.

Khi “nửa mình còn trong lửa nước sôi”, trái tim của Hồ Chí Minh đã luôn cùng nhịp đập với đồng bào miền Nam. Đêm ngày Người trăn trở khôn nguôi về miền Nam, về sự nghiệp giải phóng đất nước còn dang dở.

Trong “lời chào mừng các đoàn đại biểu quốc tế” ngày 23/10/1963, thật xúc động làm sao khi nghe Bác nói: “Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam… không một giờ, một phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ - Diệm để cứu nước, cứu nhà” (2).

Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920-1992) kể câu chuyện một lần từ miền Nam ra, vinh dự được ăn cơm với Bác, bữa cơm gia đình thật thân mật, ấm cúng. Trong bữa ăn, Bác hỏi nhiều chuyện về Nam Bộ, về chuyện học hành, sinh hoạt của anh chị em cán bộ.

“Người là niềm tin tất thắng”

Bác Hồ đến thăm lực lượng Phòng không bảo vệ Hà Nội năm 1966.

Bác nói: “Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta”. Và lần thứ hai, tại lễ mừng sinh nhật Bác, nhìn mọi người một cách trìu mến, Người nói: “Các cô, các chú về báo cáo với Nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng Nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào miền Nam ruột thịt…”(3).

Mong ước giải phóng miền Nam, thống nhất non sông của Người đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân và khát vọng của cả dân tộc. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mong ước thiêng liêng ấy đã trở thành mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt không gì có thể lay chuyển được. Hòa bình thống nhất, độc lập dân tộc là ước nguyện chung của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã khơi dậy được tư tưởng, tình cảm, ý thức tự tôn, tự lực, tự cường của cả dân tộc kết thành sức mạnh vĩ đại để đánh đuổi kẻ thù.

47 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng ta đã rút ra được nguyên nhân, bài học sâu sắc của chiến thắng chính là nhờ đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, huy động sức mạnh của cả dân tộc, sức mạnh thời đại để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Hãy nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền đi vào sáng ngày 17/7/1966 với một quyết tâm sắt đá, một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng: “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và Nhân dân tiến bộ thế giới, chúng ta nhất định thắng”(4).

“Người là niềm tin tất thắng”

Bác Hồ với các cháu dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (1969). Ảnh tư liệu

Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc có cội nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc như Người đã khẳng định: “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(5).

Và sức mạnh đó đã nhân lên gấp bội dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là động lực đã giục giã người Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, với tinh thần “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Chân lý bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã quy tụ sự đoàn kết, thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc trường chinh bằng tất cả sức mạnh của mình để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Niềm tin vào sức mạnh của toàn dân tộc đến ngày chiến thắng đã được Người khẳng định trong bản Di chúc thiêng liêng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”(6).

“Người là niềm tin tất thắng”

Niềm tin vào sức mạnh của toàn dân tộc đến ngày chiến thắng đã được Người khẳng định trong bản Di chúc thiêng liêng. Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết quả của cả chặng đường dài chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của các thế hệ người Việt Nam yêu nước dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thống nhất đất nước đã thành hiện thực, khát vọng về một xã hội phồn thịnh, hạnh phúc vẫn còn phía trước. “Người là niềm tin tất thắng”, “sống mãi với non sông Việt Nam”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục tỏa sáng cho ta niềm tin, sức mạnh để vượt qua thử thách, khó khăn, đưa đất nước, quê hương phát triển hùng cường.

----------------

1. Từ Bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình. NXB LĐ, 2009, tr59.

2. Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 11,

tr158-159.

3. Theo Những kỷ niệm sâu sắc của phụ nữ Việt Nam với Bác Hồ. NXB PN. 2005 tr10-11.

4. Sách đã dẫn Từ Bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình, tr175.

5. Sách đã dẫn Hồ Chí Minh toàn tập, T.6, tr171.

6. Sách đã dẫn Từ Bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình, tr189.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.