Mỗi ngày làm việc của các cô nuôi ở trường dân tộc nội trú Hà Tĩnh bắt đầu từ 4 giờ sáng
Hơn 20 năm kể từ ngày gắn bó với Trường THCS và THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh, mỗi ngày làm việc của chị Nguyễn Thị Hương, bếp trưởng thường bắt đầu từ 4 giờ sáng. Chị chia sẻ: "Nấu ăn nội trú cũng vất vả lắm, bởi học sinh đều ở lại trường. Việc chăm lo cho sức khỏe và chế độ dinh dưỡng của các em phụ thuộc vào ngày 3 bữa ăn. Thêm vào đó, học sinh đến từ nhiều dân tộc, nhiều vùng miền khác nhau, tập quán sinh hoạt và khẩu vị cũng khác nhau nên để tạo cho các em nếp sinh hoạt và tính tập thể là điều rất khó”.
Cô nuôi với biết bao công việc không tên
Ở ngôi trường đặc thù này, muốn nâng cao chất lượng học tập của học sinh trước hết phải cải thiện thể lực cho các em, điều đó phụ thuộc phần lớn vào công chăm sóc của các cô nuôi. Thực tế, với giá cả thị trường hiện nay, việc đảm bảo ngày 3 bữa ăn với nguồn kinh phí 30 ngàn đồng cho mỗi học sinh/ngày là điều không dễ. Để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, thực đơn cho mỗi bữa ăn, các mẹ đã thường xuyên thay đổi và mỗi bận ăn của các em có đủ 4 món canh, rau, thịt hoặc cá…
Việc sắp xếp các bàn ăn cũng được chia theo lớp, khối để tiện cho việc quản lý học sinh
Điều vất vả nhất của cô nuôi là những tháng đầu của năm học, khi nền nếp sinh hoạt của các em sau những tháng nghỉ hè không còn được duy trì. Thêm vào đó, số học sinh đầu cấp mới vào trường còn nhiều bỡ ngỡ khi xa gia đình, xa bố mẹ, nhiều em ăn ít bởi không hợp khẩu vị. Mỗi lúc như thế, ngoài việc động viên các em, các cô nuôi đều phải cố gắng hết mình, tạo không khí gia đình trong mỗi bữa ăn, giúp các em làm quen dần với sinh hoạt, lối sống tập thể.
Chị Nguyễn Thị Hiền - cô nuôi đã gắn bó với các em 15 năm cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là nấu những bữa cơm mà còn phải giúp các em hình thành nếp sinh hoạt chung. Là học sinh dân tộc thiểu số nên ban đầu nhiều em cũng chưa có thói quen cầm thìa, cầm đũa, có em còn bê nguyên cả đĩa thức ăn trút hết vào bát mình. Những lúc như thế, chúng tôi lại phải tế nhị chỉ bảo các em biết nhường nhịn bạn bè, thậm chí có lúc phải chia thức ăn cho từng em rồi đứng kiểm tra, giám sát”.
Việc chia cơm cũng được căn cứ theo đặc điểm từng bàn nam, nữ, khối lớp để đảm bảo các em được ăn no
Gắn bó và xem các em như những đứa con của mình, giờ đây các cô nuôi hầu như đều nắm rõ đặc điểm, sở thích, nết ăn của từng em. Bếp trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết: “Hơn 200 học sinh được chia làm 31 bàn. Chỗ ngồi cũng được chúng tôi chia theo từng khối, từng phòng. Vì thế, nhìn vị trí mâm cơm chúng tôi cũng có thể nhớ rõ chỗ ngồi của từng em, nói rõ đặc điểm, sở thích, nết ăn của em đó. Đây cũng là cách chúng tôi theo dõi sức khỏa của từng em, nắm vững danh sách học sinh để quản lý chặt chẽ hơn, đề phòng trường hợp học sinh nghỉ không có lý do”.
Mỗi bữa ăn, các mẹ đều cố gắng thay đổi thực đơn và đảm bảo có đủ 4 món
Em Nguyễn Thị Lệ Quyên - dân tộc Mường ở Hương Trạch (Hương Khê) cho biết: “Các mẹ rất quan tâm chăm sóc chúng em, mỗi bữa cơm thường động viên chúng em gắng ăn nhiều để có sức học tập. Cũng như một số bạn, khi mới vào trường do không hợp khẩu vị nên em ăn rất ít, nhưng nhờ các mẹ chăm sóc, động viên nên giờ đây em đã quen dần và thích nghi với cuộc sống tập thể, với nhiều món ăn mới. Những bữa cơm ngon đầy đủ chất dinh dưỡng do các mẹ nuôi ở trường chuẩn bị đã khiến nhiều bạn ít có suy nghĩ bỏ về nhà và chăm lo học hành hơn”.
Những bữa cơm ấm áp trong ngôi nhà chung này khiến các em thêm gắn bó, thêm yêu mái trường
Mỗi một năm học lại có thêm một lớp học sinh trưởng thành nhưng hình ảnh những người mẹ với bữa cơm đầm ấm của gia đình nơi ngôi nhà chung vẫn luôn là kỷ niệm sâu đậm. Cứ như thế, tiếng mẹ thiêng liêng đã trở thành tiếng gọi chung mà học sinh ở trường dân tộc nội trú dành riêng để gọi các cô nuôi.