Người biểu tình Palestine tập trung đông ở phía nam Dải Gaza, đốt lốp xe và ném đá vào binh sĩ Israel qua hàng rào biên giới. Trong khi đó, phía Israel đáp trả bằng hơi cay và đạn thật. Để bảo vệ mình khỏi khí độc, những người tham gia tuần hành sử dụng mặt nạ y tế, chai nhựa, áo thun, khăn choàng Keffiyeh và hành tây để che mũi.
Bà Jehad Abu Mehsen, 48 tuổi, người Palestine nhét hành tây giữa mũi và miếng nhựa để tránh hít phải hơi cay của binh lính Israel trong một cuộc biểu tình được tổ chức ở phía nam Dải Gaza hôm 6/4/2018.
Bà Mehsen khẳng định có càng nhiều hành tây, bà càng có thể ở lại lâu hơn trong cùng đoàn biểu tình. “Nó giúp giảm bớt mùi hôi tuy nhiên không thể ngăn hoàn toàn khí độc. Tôi đã hai lần được đưa tới lều y tế để điều trị”, bà nói thêm.
Lá cờ Palestine được cắm trên củ hành tây treo lủng lẳng trên lốp xe nhỏ gắn chặt với mặt nạ của một người biểu tình ở Dải Gaza hôm 6/4/2018.
Người đàn ông Palestine với thiết bị phòng độc được chế từ vỏ nhựa và củ hành tây.
Cậu bé Palestine che mũi bằng vỏ bưởi ở phía nam Dải Gaza ngày 9/4/2018.
Mazen Al-Najar, 15 tuổi, người Palestine với chiếc mặt nạ được làm từ chai nhựa, vỏ lon Coca Cola, bông, nước hoa và than đá trong cuộc biểu tình ở phía nam Dải Gaza ngày 6/4/2018.
Một người biểu tình Palestine đeo mặt nạ với phần mũi được gắn thêm một chiếc cốc nhựa bên trong đựng bông thấm nước hoa để tránh hít phải hơi cay của binh lính Israel trong cuộc biểu tình tại phía nam Dải Gaza ngày 10/4/2018.
Cậu bé Palestine đeo mặt nạ y tế để bảo vệ mình khỏi hơi cay của binh lính Israel trong một cuộc biểu tình ở phía nam Dải Gaza hôm 9/4/2018.
Bác sĩ Mahmoud Al-Khuzundar ở Gaza cho biết các thiết bị phòng độc tự chế của người biểu tình có tác dụng tâm lý nhiều hơn là giúp người đó tránh các tác động trực tiếp từ hơi cay. “Một số người cố gắng thể hiện sự sáng tạo, số khác muốn bản thân trông cứng rắn hơn”, ông Al-Khuzundar nói.
Các cuộc biểu tình nhằm phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dự kiến mở cửa đại sứ quán mới tại thành phố này vào ngày 14/5.
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Israel chiếm khu vực trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đặt Jerusalem dưới sự quản lý quốc tế.