Người phụ nữ đi ngang qua bức vẽ một binh sĩ Ukraine phóng tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: AFP
Cho đến nay, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt vào ngày 24/2, với hơn 16,8 tỷ USD hỗ trợ quân sự.
Tuy nhiên, kho dự trữ một số thiết bị của Mỹ đang giảm xuống mức cần thiết tối thiểu cho các kế hoạch chiến tranh và huấn luyện. Theo nhà phân tích Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), để kho dự trữ trở về mức trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine có thể mất nhiều năm.
Một quan chức quân đội Mỹ giấu tên thừa nhận rằng Washington đang rút ra bài học từ cuộc xung đột trên rằng nhu cầu đạn dược trong một cuộc chiến tranh với cường quốc sẽ lớn hơn nhiều so với dự kiến.
Các công ty quốc phòng Mỹ đã buộc phải giảm mạnh sản xuất trong những năm 1990, do Nhà Trắng cắt giảm chi tiêu quốc phòng sau khi Liên Xô sụp đổ. Số lượng các tập đoàn sản xuất cũng thu hẹp đáng kể từ vài chục xuống còn số lẻ.
Bây giờ, Chính phủ Mỹ phải thuyết phục ngành này mở lại dây chuyền lắp ráp và sản xuất lại các mặt hàng như tên lửa phòng không Stinger, vốn đã dừng sản xuất từ năm 2020.
Hệ thống tên lửa Himars của Mỹ. Ảnh: AFP
Một số thiết bị do Mỹ cung cấp đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến ở Ukraine. Chẳng hạn như vũ khí chống tăng Javelin được lực lượng Ukraine sử dụng rộng rãi để bảo vệ thủ đô, và Himars, một hệ thống tên lửa chính xác hiện đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc phản công chống lại quân đội của Nga ở mặt trận phía Đông và Nam.
Tuy nhiên, kho dự trữ đạn dược của Mỹ dành cho tên lửa dẫn đường Himars, với tầm bắn hơn 80 km, đang cạn kiệt.
Nếu Mỹ gửi một phần ba số lượng Himars đến Ukraine, Ukraine sẽ nhận được 8.000 đến 10.000 quả tên lửa. Ông cho biết số tên lửa đó có thể đủ sử dụng trong vài tháng. Nhưng khi kho hàng cạn kiệt, không có phương án nào để thay thế cả.
Ông Cancian nói: “Sức sản xuất Himars của Mỹ là 5.000 chiếc một năm. Mặc dù Mỹ đang nỗ lực để tăng số lượng nhưng sẽ mất nhiều năm”.
Mỹ cũng đã cung cấp khoảng 8.500 tên lửa Javelin cho Kiev, nhưng sản lượng của loại vũ khí này chỉ khoảng 1.000 quả mỗi năm. Chính phủ Mỹ đã đặt hàng số tên lửa trị giá 350 triệu USD vào tháng 5, nhưng sẽ phải mất vài năm nữa để các kho dự trữ được bổ sung.
Theo số liệu thống kê chính thức của Lầu Năm Góc, Mỹ cũng đã cung cấp hơn 800.000 quả đạn pháo 155mm tiêu chuẩn cho Ukraine, chiếm 3/4 tổng số lượng mà tất cả các nước phương Tây chuyển giao.
Ông Cancian nhận định rằng số lượng đạn pháo mà Washington cung cấp có lẽ đã gần đạt giới hạn cho phép để bản thân nước Mỹ không gặp rủi ro về tiềm lực chiến đấu.
Sản lượng đạn pháo này của Mỹ hiện ở mức 14.000 quả mỗi tháng, nhưng Lầu Năm Góc đã thông báo rằng họ đặt mục tiêu tăng con số đó lên 36.000 quả trong vòng 3 năm. Điều đó vẫn chỉ đưa sản lượng hàng năm lên 432.000 đạn pháo - ít hơn một nửa so với số lượng mà Ukraine được cung cấp trong bảy tháng qua.
Ngày 4/10, bà Laura Cooper, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm giám sát tình hình Nga và Ukraine, cho biết hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đang được tăng tốc. Bà khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine và cung cấp cho họ sự hỗ trợ an ninh cần thiết.