Năm 2023, Bộ Công Thương sẽ quản lý xăng dầu theo hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến phân phối. Ảnh: TTXVN.
Chia sẻ tại Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/12, ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho hay, đến nay, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã sản xuất bình thường và đáp ứng được hợp đồng kinh tế với thương nhân đầu mối. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (Dung Quất) cũng đang vận hành trên công suất, đáp ứng các hợp đồng đã ký.
“Do đó, về cơ bản nguồn hàng sản xuất trong nước được đảm bảo, cộng thêm nguồn nhập khẩu được các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng hạn ngạch được phân giao. Riêng hai doanh nghiệp có vướng mắc là Xăng dầu Petimex và Xăng dầu Sông Hậu đã kết nối với hải quan, đảm bảo nguồn cung cho khu vực Nam bộ, đáp ứng đủ nhu cầu cho trước, trong và sau Tết”, ông Khanh cho hay.
Theo ông Khanh, qua các kênh thông tin, việc tổ chức bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu vào những dịp Tết sẽ được duy trì bình thường. Một số cửa hàng đã có báo cáo và xin nghỉ bán hàng trong đêm và sáng ngày mùng 1 Tết Âm lịch và mở cửa, bán hàng bình thường sau 11 giờ. Thời gian bán hàng này đã được thông báo với các Sở Công Thương và niêm yết công khai cho khách hàng biết.
Đồng thời, tại các cửa hàng xăng dầu đều có phương án đảm bảo nguồn cung và phương án phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.
Về tình hình thị trường, ông Khanh cho biết, hiện không còn tình trạng xếp hàng ở tất cả các cửa hàng xăng dầu. Thậm chí, có những cửa hàng trong thời điểm vừa qua bán hàng tăng trưởng đến 70%, theo ông đây là sự nỗ lực cố gắng lớn.
Tuy vậy, ông Khanh đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối đáp ứng đủ nguồn hàng, Sở Công Thương tạo điều kiện cho các đơn vị và tỉnh thành phố lớn vận chuyển xăng dầu được thuận tiện. Đơn cử như ở Hà Nội hiện nay mỗi ngày cần 80 xe vận chuyển hàng vào nội thành.
Theo ông Khanh, năm 2022 thị trường xăng dầu rất dị biệt, giá dầu thế giới khó dự báo. Mặc dù các thương nhân đầu mối đều chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của bộ về đảm bảo nguồn cung, nhưng hiện nay giá dầu thế giới liên tục giảm, doanh nghiệp cứ nhập về là lỗ. Do đó, ông Khanh đề nghị các cơ quan liên bộ quan tâm xem xét điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp.
“Hiện nay theo phản ánh của doanh nghiệp thì việc tiếp cận nguồn vốn vẫn khó khăn do phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ như thế chấp, cho vay. Do đó, mong Ngân hàng Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho các đơn vị”, đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam kiến nghị.
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ thực hiện bảo dưỡng lớn nên dự kiến sẽ giảm sản lượng từ 1-1,2 triệu m3. Mặc dù hiện nay nhà máy chạy công suất trên 100%, có thể cung ứng đến hết quý 1/2023, nhưng lo ngại nhất là nguồn đầu vào, nhập khẩu nguồn dầu thô phục vụ sản xuất trong nước hiện nay là rất khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, việc nhập khẩu dầu thô cho hoạt động sản xuất xăng dầu có nhiều thách thức, khi Việt Nam chỉ nhập khoảng 20 - 25% nguồn xăng dầu từ bên ngoài, nên không được các nước ưu tiên trong cung cấp nguồn hàng. Trong khi đó, việc các nước EU áp giá trần với giá xăng dầu của Nga, nên có thể dẫn tới giảm sản lượng, nguồn cung khó khăn hơn.
“Mặc dù Hiệp hội Xăng dầu đã khẳng định nguồn cung được đảm bảo vào cuối năm rất yên tâm rồi, nhưng ta bị phụ thuộc nhập khẩu, nên nguồn cung xăng dầu thời gian tới cần lưu ý, nên cần phải có phương án chuẩn bị, đặc biệt khi các nhà máy xăng dầu bảo dưỡng theo định kỳ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt dự trữ, lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao. Dự kiến tháng 5 tháng 6, Lọc dầu Bình Sơn bảo dưỡng định kỳ nên kế hoạch nhập khẩu trước, trong thời điểm này cần phải thực hiện nghiêm túc. Do đó, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu các lực lượng tăng kiểm tra, giám sát đạt kế hoạch.
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết của người dân.
“Năm 2023 Bộ Công Thương quản lý theo hệ thống, áp dụng công nghệ từ doanh nghiệp đầu mối đến phân phối. Chúng tôi cũng đề nghị chính quyền các địa phương sẽ áp dụng quản lý trên môi trường số và công nghệ với các cửa hàng bán lẻ. Bộ Công Thương sẽ có chủ trương kết nối trong 2023 để kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh dầu từ Bộ Công Thương tới cơ sở bán lẻ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.