Đó là nhà thiết kế áo dài Nguyễn Thị Mỹ Lệ với cơ sở may ANNA của ở xóm đạo Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà.
Từ một người giúp việc, Nguyễn Thị Mỹ Lệ đã trở thành một nhà thiết kế thời trang tài năng
Sinh năm 1983 trong một gia đình khó khăn, năm 13 tuổi, học đến lớp 7, Mỹ Lệ phải bỏ học giữa chừng, vào Sài Gòn làm nghề giúp việc để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Và rồi duyên nghiệp đã gắn bó tà áo dài truyền thống với chị và cùng chị vượt qua khó khăn, từ một người giúp việc trở thành một bà chủ, nhà thiết kế trẻ tài năng.
Với chị em thợ may, Mỹ Lệ luôn khắt khe từ mỗi đường kim, mũi chỉ
Mỹ Lệ kể, ngay từ nhỏ, nhìn các bà, các chị mặc áo dài truyền thống, chị đã luôn thích thú và mơ ước một ngày có được một chiếc áo dài của riêng mình. Và rồi những năm tháng làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, chị nuôi lớn dần mơ ước trở thành một thợ may, một nhà thiết kế áo dài chuyên nghiệp.
Thôi công việc “ô sin”, Mỹ Lệ xin vào học nghề may ở một tiệm may áo dài lớn ở Sài Gòn. Nhờ sự đam mê, cần cù và sáng tạo, chị tiếp cận rất nhanh với nghề may nói chung và nghề may áo dài nói riêng.
Một trong những mẫu áo dài phá cách mới được Mỹ Lệ thiết kế.
Sau hơn 1 năm vừa học vừa làm, Mỹ Lệ đã tự mình đo và cắt may được những chiếc áo dài theo mẫu, được khách hàng cũng như chủ cơ sở đánh giá cao. Năm 2005, Mỹ Lệ về quê, lập gia đình và chính thức mở cơ sở may tại nhà với hành trình tìm tòi, khám phá và khổ luyện để tạo thương hiệu riêng cho mình.
Ở vùng quê nghèo, thời gian đầu, tiệm may của chị chỉ hoạt động cầm chừng do ít khách. Tuy nhiên, khi khách hàng ghi nhận về thương hiệu và chất lượng, thì “tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều khách hàng trong và ngoài huyện, rồi ngoại tỉnh tìm đến đặt hàng.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và huyện Thạch Hà chia sẻ, động viên mỗi khi chị cho ra đời một sản phẩm thiết kế mới
Kể từ khi đi vào hoạt động ổn định, với 2 - 3 thợ may thường xuyên, mỗi tháng, cơ sở may của chị cho ra đời gần 150 chiếc áo dài. Tùy theo thị hiếu, điều kiện của khách hàng, áo dài của chị thường có giá trên dưới 1 triệu đồng, cũng có những chiếc áo 5 đến 10 triệu đồng.
Nhưng dù ở mức giá nào thì tiêu chí nhất quán: phải làm cho chủ nhân đẹp hơn, duyên dáng hơn… luôn được Mỹ Lệ giữ gìn, thực hiện.
Các họa tiết tinh xảo, sinh động và cuốn hút được Mỹ Lệ thiết kế và tự tay vẽ trên các sản phẩm của mình.
“Người thợ may áo dài phải như một nghệ sỹ. Đặc biệt với chiếc áo dài truyền thống, không chỉ đơn thuần là trang phục nữa, mà đó là một trong những di sản văn hóa vật thể của dân tộc.
Vì vậy, bên cạnh thường xuyên tìm tòi, sáng tạo để ngày càng làm mới hơn, đẹp hơn, phù hợp hơn với vóc dáng, cá tính của người phụ nữ thì người thợ luôn phải quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc, hồn cốt của tà áo dài truyền thống qua từng chất liệu, đường may và mỗi họa tiết”, Mỹ Lệ tâm sự.
Mỗi chiếc áo dài ra đời, đều phải qua khâu thiết kế tỉ mỉ với rất nhiều số đo cụ thể
Luôn hướng đến ước mơ trở thành một nhà thiết kế áo dài chuyên nghiệp, Nguyễn Thị Mỹ Lệ vừa làm vừa tiếp tục theo học các khóa đào tạo thiết kế tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao các kỹ năng như: thiết kế bộ sưu tập, lựa chọn vải, vẽ họa tiết, đính kết, kinh doanh thời trang…
Sau mỗi khóa học, bộ sưu tập về các mẫu áo dài truyền thống do chị sáng tạo ngày càng hiện đại, phong phú thêm. Khách hàng đến với chị cũng ngày càng nhiều và đa dạng hơn. Không chỉ trong tỉnh, trong nước, thời gian gần đây, hàng trăm bộ áo dài của chị đã đến với cộng đồng người Việt tại các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản…
Bộ sưu tập áo dài của Mỹ Lệ đang ngày một dày thêm
Với uy tín được khẳng định, Nguyễn Thị Mỹ Lệ đã vinh dự là nhà thiết kế đầu tiên của tỉnh được Hội LHPN Hà Tĩnh giới thiệu tham gia “Cuộc vận động thiết kế áo dài Việt” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động vào tháng 3/2020.
Tham gia cuộc thi, mang theo niềm tự hào và trách nhiệm, Mỹ Lệ dày công chuẩn bị một bộ sưu tập với hàng chục sản phẩm có giá trị với nhiều phong cách tươi mới, hiện đại như: áo dài truyền thống, áo dài phá cách xuyên thấu và một số phá cách mới; áo dài in hoặc vẽ họa tiết trên nền vải; áo dài đính pha lê…
Mỹ Lệ tạo dáng với chiếc áo dài trong bộ sưu tập của mình
“Hội Phụ nữ huyện ghi nhận sự nỗ lực và trách nhiệm của Nhà may ANNA, khi sẵn sàng tham gia cuộc thi do Trung ương Hội phát động. Đây là dịp rất tốt để giới thiệu, quảng bá di sản áo dài truyền thống của dân tộc nói chung và hình ảnh hoạt động của phụ nữ Hà Tĩnh nói riêng.
Về phía Hội, sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để nhà thiết kế có được những sản phẩm dự thi tốt nhất", Chủ tịch Hội LHPN Thạch Hà Nguyễn Thị Bính chia sẻ.
Cuộc vận động thiết kế áo dài với chủ đề “Tự hào áo dài Việt” nằm trong chuỗi các hoạt động “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam và Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức nhằm tăng cường quảng bá rộng rãi và tôn vinh áo dài Việt Nam, nâng tầm vị thế và ý nghĩa áo dài - di sản văn hóa của Việt Nam trong đời sống xã hội; góp phần xây dựng nguồn tư liệu về áo dài - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; tạo môi trường sáng tạo cho các nhà thiết kế, các nghệ nhân và người yêu áo dài trong nước.. Bắt đầu từ 8/3/2020 đến hết ngày 30/6/2020, qua 2 vòng chấm sơ khảo, vòng chung kết sẽ diễn ra từ 5 - 15/10/2020. Lễ trao giải và trình diễn các tác phẩm đạt giải được tổ chức trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/2020) tại Hà Nội. |