Thấm nhuần nền tảng lý luận của Đảng, trong các giai đoạn phát triển của tỉnh, Hà Tĩnh luôn coi văn hóa là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, nhất là những năm gần đây, Hà Tĩnh đã vận dụng linh hoạt các giải pháp để nhân lên “sức mạnh mềm” văn hóa.
Núi Hồng - sông La được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam xưa, được khắc trên cửu đỉnh đặt tại cố đô Huế.
Việc nhận diện giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo tồn và phát huy các giá trị đó trong đời sống Nhân dân là một trong những giải pháp có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của quê hương. Qua đó, giáo dục con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, thời gian qua, Hà Tĩnh đã đạt được một số thành tựu quan trọng về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Về hệ thống di sản văn hóa vật thể, đến nay, tỉnh đã tổng kiểm kê, đưa vào quản lý hơn 1.800 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nhận diện giá trị của các di sản trong phát triển KT-XH, tỉnh và ngành văn hóa luôn coi trọng công tác nghiên cứu xếp hạng và tu bổ tôn tạo di tích. Đến nay, toàn tỉnh có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích cấp quốc gia, 550 di tích cấp tỉnh.
Bên cạnh công tác nghiên cứu xếp hạng và tu bổ tôn tạo di tích, Hà Tĩnh còn phối hợp với các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương tổ chức nhiều đợt khai quật khảo cổ học, thu được kết quả tích cực. Các cuộc khai quật khảo cổ học tiêu biểu là ở lũy đá cổ tại xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh); di chỉ khảo cổ học Cồn Sò ở xã Thạch Lạc (Thạch Hà); di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi (xã Xuân Viên), cảng Hội Thống (xã Xuân Hội) cùng thuộc huyện Nghi Xuân… Từ đó, có thêm nhiều luận cứ, luận điểm khẳng định về chiều sâu, chiều dài lịch sử, văn hóa Hà Tĩnh.
Các hiện vật thuộc di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (tháng 11/2020). Ảnh tư liệu
Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, Hà Tĩnh cũng sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, nhất là khai thác “sức mạnh mềm” của các di sản này được tỉnh hết sức quan tâm.
Hà Tĩnh đã phối hợp với các tỉnh có nghệ thuật ca trù, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh, các cá nhân, các dòng họ lập hồ sơ đề cử thành công, được UNESCO công nhận 2 loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian (ca trù và dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh) là di sản phi vật thể của nhân loại, ghi danh 3 di sản tư liệu ký ức thế giới là Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (ở xã Kim Song Trường, Can Lộc).
Ca trù là 1 trong 2 loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian được UNESCO công nhận, đã phát huy giá trị trong đời sống văn hóa Nhân dân.
Ngoài ra, tỉnh đã khôi phục thành công và duy trì được nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có 3 lễ hội truyền thống được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm các lễ hội: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Cầu ngư Nhượng Bạn, Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi...
Hiện nay, tỉnh phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương liên quan đang hoàn thiện hồ sơ trình đề nghị UNESCO công nhận Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh nhân văn hóa thế giới, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông (1724-2024)…
Khi di tích Hải Thượng Lãn Ông sau khi được đầu tư tôn tạo đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Ảnh Thiên Vỹ
Ông Trần Xuân Lương - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Bên cạnh đóng góp vào sự phát triển văn hóa, định hình bản sắc, giáo dục nhân cách, đạo đức cho các thế hệ trẻ, hệ thống di sản văn hóa của Hà Tĩnh đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của tỉnh thông qua phát triển du lịch. Hằng năm, thông qua các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục dựng các di sản và hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, Hà Tĩnh đã khai thác “sức mạnh mềm” văn hóa trong thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển quê hương”.
Thực tế cho thấy, nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã phát huy giá trị, không chỉ là nơi phục vụ có hiệu quả các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng mà còn trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại, tạo ra sự thay đổi cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
Điển hình như: Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng (TX Hồng Lĩnh), Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân), Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn), đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (Lộc Hà và Thạch Hà), đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (TX Kỳ Anh); chùa Hương Tích, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc)…
Nhiều di tích sau khi được đầu tư tu bổ đã trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại tạo ra sự thay đổi cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Trong ảnh: KDL Chùa Hương Tích đang ngày càng được đầu tư gắn với phát triển du lịch. Ảnh Đình Nhất
Những di tích này hầu hết đều gắn với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian (ca trù, ví giặm, trò Kiều, sắc bùa…) và các lễ hội truyền thống, tạo nên những không gian văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa, góp phần xây dựng xã hội hài hòa, nhân văn và có bản sắc…
Cảnh Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân trong trích đoạn “Gia biến” do CLB trò Kiều Tiên Điền (Nghi Xuân) biểu diễn tại Tuần Văn hóa Nguyễn Du năm 2023. Ảnh Thiên Vỹ
Di sản văn hóa là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, là tiền đề để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển. Việc nhận diện giá trị di sản, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đó đã tạo nên nguồn lực nuôi dưỡng, làm giàu bản sắc văn hóa Hà Tĩnh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những giá trị văn hóa được lưu giữ và phát triển trong đời sống chính là nền tảng vững chắc để người Hà Tĩnh không mất đi bản sắc trong quá trình hội nhập. Cùng đó, người dân cũng nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản, lòng tự hào về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương, về ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên vô giá này.