Một quan chức Bộ Tư pháp Nhật Bản hôm 18/11 cho biết nước này đang tìm cách cho lao động nước ngoài “cổ cồn xanh”, chỉ những người làm công việc tay chân, được phép ở lại nước này vô thời hạn từ năm tài khóa 2022.
Theo luật lao động Nhật Bản có hiệu lực từ năm 2019, các lao động lành nghề nước ngoài trong 14 lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng và vệ sinh được phép ở lại nước này tới 5 năm, song không được đem theo người thân.
Một lao động nước ngoài trong nhà máy sản xuất khẩu trang vải thuộc một công ty may mặc ở tỉnh Gifu, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.
Nhiều công ty đã phản đối luật này, cho rằng chính sách chỉ cấp visa 5 năm cho lao động nước ngoài khiến họ do dự khi thuê nhóm nhân công này. Đây được coi là động lực để chính phủ Nhật Bản tìm cách nới lỏng hạn chế về visa cho lao động nước ngoài.
Nếu Nhật Bản sửa luật, các lao động nước ngoài, gồm nhiều người từ Việt Nam, sẽ được phép gia hạn visa vô thời hạn và được mang theo gia đình.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết chính phủ vẫn xem xét thay đổi này, song lưu ý thêm visa vô thời hạn không có nghĩa là lao động nước ngoài cũng tự động có quyền thường trú nhân.
Nhập cư từ lâu là vấn đề nhạy cảm ở Nhật Bản với lý do “đồng nhất chủng tộc”. Tuy nhiên, do dân số ngày càng giảm và già hóa, Nhật Bản ngày càng chịu áp lực tiếp nhận thêm lao động nước ngoài.
“Trong bối cảnh quy mô dân số ngày càng giảm trở thành vấn đề nghiêm trọng và nếu Nhật Bản muốn được coi là lựa chọn tốt cho lao động nước ngoài, họ cần phải thể hiện là nước có cơ chế phù hợp để chào đón những lao động đó”, giám đốc điều hành Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản Toshihiro Menju nhận định.
Theo số liệu được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh Xã hội công bố năm ngoái, Nhật Bản đến năm 2019 đã tiếp nhận hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam và khoảng 30.000 lao động kỹ thuật.