Thành phố cảng Yokohama của Nhật Bản.
Việc Thủ tướng Shinzo Abe cân nhắc đưa Nhật Bản tham gia “con đường tơ lụa” của Trung Quốc - sáng kiến có tên gọi chính thức là “Vành đai và Con đường” - cho thấy khả năng Tokyo có thể sẽ có một lập trường mềm mỏng hơn với Bắc Kinh, theo nhận định của tờ The Diplomat.
Tờ báo này cho biết, phát biểu tại một diễn đàn về tương lai của châu Á diễn ra tại Tokyo vào đầu tháng này, ông Abe nói rằng Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với “con đường tơ lụa” theo một số điều kiện nhất định.
“Con đường tơ lụa” là sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, bao gồm một tuyến giao thương trên bộ và một hành lang thương mại trên biển kết nối giữa Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Phi và châu Âu. Ông Tập nói rằng với sáng kiến “con đường tơ lụa”, Trung Quốc mong muốn tạo ra một “gia đình lớn cùng tồn tại hài hòa”, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn dựa vào sáng kiến này để trở thành quốc gia lãnh đạo khu vực, thay thế vai trò truyền thống của Mỹ.
Nhật Bản, quốc gia đồng minh của Mỹ, dĩ nhiên sẽ hào hứng hơn với một trật tự khu vực do Mỹ đứng đầu. Bởi vậy, Tokyo đã thể hiện sự thận trọng với sáng kiến mà Trung Quốc đưa ra.
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự thoái lui của nước Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền - thể hiện rõ nhất qua việc ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - có vẻ như Nhật Bản đang tính đến mọi khả năng, chẳng hạn hợp tác có giới hạn với Trung Quốc.
Ông Abe đã nêu cụ thể một trong những điều kiện cần phải được đáp ứng để Nhật Bản tham gia “con đường tơ lụa”, là “sự hài hòa với một vùng kinh tế xuyên Thái Bình Dương tự do và bình đẳng”. Điều kiện này được xem là nhắc đến những yêu cầu, bao gồm các quy chế về lao động và môi trường mà các nước thành viên TPP đã mất rất nhiều thời gian và công sức để đàm phán.
Thủ tướng Nhật cũng nhấn mạnh rằng “điều quan trọng là cơ sở hạ tầng cần phải được mở cửa cho tất cả các nước cùng sử dụng, và được phát triển thông qua quy trình mua sắm minh bạch và bình đẳng… Tôi cũng cho rằng các dự án cần phải khả thi về kinh tế và được cấp vốn bằng những khoản vay có thể thanh toán, và không ảnh hưởng đến năng lực tài chính của quốc gia vay nợ”.
Mối lo ngại của Nhật Bản về sự thiếu minh bạch của sáng kiến “con đường tơ lụa” phản ánh sự chỉ trích của Tokyo nhằm vào Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), định chế mà Nhật cũng đang tính tham gia sau một thời gian dài kiên quyết đứng ngoài. Với những tin đồn cho rằng Mỹ có thể vào AIIB, Nhật Bản có thể sẽ càng có lý do để tham gia định chế này.
The Diplomat đánh giá rằng Nhật Bản đang ở trong một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt Nhật lo ngại về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, mặt khác nước này cũng cần phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh sự cam kết của Mỹ đối với khu vực trở nên thiếu chắc chắn.
Sự dịch chuyển chính sách của Nhật, dù mới chỉ manh nha, đã nhận được sự chào đón của Trung Quốc. Điều này có thể sẽ giúp tạo ra một bầu không khí tích cực trong quan hệ hai nước trước một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Trung có thể diễn ra vào mùa hè năm nay.
Đáp lại những phát biểu của Thủ tướng Abe, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi tin rằng sáng kiến Vành đai và Con đường có thể là một nền tảng mới và một nơi thử nghiệm mới để Trung Quốc và Nhật Bản đạt đến sự hợp tác đôi bên cùng có lợi và sự phát triển chung”. Bà Hoa Xuân Oánh cũng nhắc lại tuyên bố của Trung Quốc rằng các dự án trong sáng kiến này tuân thủ các nguyên tắc về bình đẳng và minh bạch trong thương mại và đầuu tư quốc tế.
Tuy nhiên, sự hợp tác Nhật-Trung trong sáng kiến “con đường tơ lụa” đến nay vẫn chỉ là dự kiến, chưa có gì chính thức. Trong khi đó, hai nước vẫn đang cạnh tranh trực tiếp để giành quyền khai thác cảng biển ở nhiều nước trên tuyến “con đường tơ lụa”, như cảng Sihanoukville ở Campuchia, cảng Colombo ở Sri Lanka, hay cảng Thilawa ở Myanmar.
Ngoài ra, một vấn đề nữa là cộng đồng doanh nghiệp Nhật sẽ ủng hộ kế hoạch của Chính phủ nước này tới mức độ nào. Trong một cuộc khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, chỉ 5% trong số 220 công ty Nhật được hỏi nói sẽ tham gia vào sáng kiến của Trung Quốc.
Đối với các công ty Nhật, có nhiều cơ hội khác lớn hơn dành cho họ, từ một thỏa thuận tự do thương mại có thể đạt được giữa nước này với Mỹ, một TPP gồm 11 nước không có Mỹ, và hợp tác kinh tế Nga-Nhật. Còn đối với “con đường tơ lụa”, các công ty Nhật vẫn đang giữ quan điểm “chờ xem”.