Hãng thông tấn Reuters ngày 8/3 dẫn nguồn tin quân sự Nhật Bản cho biết, trong tháng này Tokyo đã gửi yêu cầu thông tin (RFI) lần thứ 3 cho các nhà thầu quốc phòng để tìm kiếm các đề xuất cho dự án máy bay chiến đấu tàng hình F-3.
Không giống như hai đợt trước, RFI lần này chỉ được gửi cho các công ty ở Mỹ và châu Âu, với một tài liệu chi tiết hơn cho London và Washington. Vị quan chức quốc phòng Nhật cho biết:
"Nhật Bản kỳ vọng sẽ nhận được các đề nghị cụ thể về mặt thiết kế dựa trên một mẫu máy bay đã có sẵn". Hai đợt RFI trước không thu được bất kỳ đề xuất chi tiết nào.
Máy bay tàng hình F-3 bay thử. |
Vị đại diện này cho biết, các khung chiến đấu cơ hiện có mà Nhật Bản có thể sử dụng bao gồm F-35 Lightning II của tập đoàn Lockheed Martin Corp, hoặc F/A-18E/F Super Hornet (Boeing); và Eurofighter Typhoon của châu Âu...
Thông tấn Anh cho rằng, việc Nhật Bản khẩn trương kêu gọi sự hợp tác của Mỹ và Anh cùng phát triển chương trình máy bay tàng hình F-3 xuất phát từ nguyên nhân dự án này đang đứng trước nguy cơ bị khai tử bất cứ lúc nào do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chiến đấu cơ F-3 được đánh giá là một trong những chương trình quân sự hấp dẫn hàng đầu thế giới trong tương lai gần bởi theo ước tính cần khoảng 40 tỉ USD để hoàn thành chương trình này.
Mặc dù vậy, hiện chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng sẽ lùi chương trình này dù nhu cầu máy bay tàng hình của nước này rất cao. "Quyết định về dự án F-3 sẽ được lùi lại", nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.
Ngoài việc phải lùi chương trình máy bay F-3, Nhật cũng đang cân nhắc giữa hai lựa chọn: Hoàn toàn dựa trên nguồn lực nội tại hay tìm đến hợp tác quốc tế. Và phương án hợp tác quốc tế đã được Tokyo âm thầm thực hiện.
Thông tin này được Tạp chí Jane"s Defence Weekly cho biết, hiện Nhật Bản và Anh đã đạt được thỏa thuận liên quan ở cấp ủy ban liên chính phủ. Thương vụ này sẽ đẩy nhanh chương trình máy bay tàng hình Tokyo đang thực hiện ATD-X (Advanced Technology Demonstrator – X hay còn gọi F-3) với nguyên mẫu đầu tiên là X-2 đã cất cánh lần đầu hồi tháng 4/2016.
Trước khi đồng ý cùng Nhật phát triển chương trình F-3, ngay từ năm 2014, Anh và Nhật Bản đã thành lập Trung tâm hợp tác phát triển tên lửa không đối không tầm xa thế hệ mới Joint New Air-to-Air Missile (JNAAM) trên nền tảng công nghệ đạn tên lửa MBDA Meteor.
Anh và Nhật Bản dự định sử dụng đạn tên lửa hợp tác mới trên tiêm kích F-35 và ATD-X. Dù Nhật không nói cụ thể nguyên nhân lùi chương trình máy bay F-3 nhưng theo Jane"s, Tokyo đang bế tắc trong với chương trình máy bay đầy tham vọng này.
Tạp chí Anh dẫn nguồn tin từ tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd cho biết, tính đến thời điểm hoàn thành cất cánh lần đầu, chương trình F-3 của hãng này đã liên tiếp bị lùi thời điểm thử nghiệm do một số nguyên nhân.
Theo nguồn tin trên, sở dĩ có sự trì hoãn là để kiểm tra thêm hệ thống tái khởi động của máy bay trong trường hợp xảy ra dừng đột ngột khi đang bay. Nguồn tin nhấn mạnh rằng ngoài việc những kế hoạch thử nghiệm bị thay đổi, cơ sở chế tạo cũng có thể buộc phải tìm nguồn tài trợ bổ sung để hoàn thành đề án.
Được biết, chương trình máy bay F-3 ra đời là để thay thế cho dòng tiêm kích F-2 đã già cỗi đang hoạt động trong lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản.
Theo kế hoạch, những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mẫu máy bay F-3 phải được thực hiện từ năm 2014, nhưng sau đó đã được chuyển sang tháng 3/2015 và cuối cùng phải đến tháng 4/2016.
Dù nhà sản xuất Nhật Bản cho rằng, việc lùi thời điểm thử nghiệm chỉ là vấn đề kiểm tra thêm về hệ thống khởi động, tuy nhiên theo nhận định của tạp chí Jane’s thì đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng mà Nhật Bản gặp phải.
Cụ thể, nếu hệ thống khởi động của máy bay hoạt động không tốt thì máy bay sẽ thiếu đi sự cơ động cần thiết trong các tình huống không chiến (như bổ nhào, đột ngột hạ độ cao, chuyển hướng…).
Nếu hệ thống khởi động gặp vấn đề thì máy bay rất dễ gặp nạn chứ chưa nói đến việc bị đối phương bắn hạ.
Theo những thông tin ít ỏi được Nhật Bản tiết lộ, chương trình máy bay tàng hình F-3 được chế tạo với việc sử dụng công nghệ tàng hình, bao gồm cả hình dáng khí động tán xạ sóng radar, vật liệu hấp thụ sóng điện từ và sử dụng vật liệu tổng hợp.
Không những thế, chiến đấu cơ tương lai của Nhật Bản sẽ được trang bị radar đa chế độ với ăng ten mảng pha chủ động, hệ thống điều khiển từ xa, hệ thống chiến tranh điện tử và hệ thống trao đổi thông tin hợp nhất.
Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, tiêm kích F-3 của Nhật Bản thừa sức khiến tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc thất bại khi đối đầu.