Nhiều ẩn số trong cuộc đua chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc

Hôm nay (21/7), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu thử không chính thức đầu tiên để bầu chọn ứng cử viên cho vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), thay thế cho ông Ban Ki-moon sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay. Đây được cho là cuộc đua gay cấn và khó đoán định.

nhieu an so trong cuoc dua chuc tong thu ky lien hop quoc

Chân dung các ứng cử viên Tổng thư ký LHQ: Irina Bokova - người đứng đầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Helen Clark - Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Natalia Gherman - cựu Phó Thủ tướng Moldova, Vesna Pusic - cựu Ngoại trưởng Croatia, Antonio Guterres - cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, Srgjan Kerim - cựu Ngoại trưởng Macedonia và Danilo Turk - cựu Tổng thống Slovenia. Ảnh: AFP/TTXVN

Đổi mới quy trình bầu cử

Theo quy định trước đây, tiến trình bầu chọn Tổng Thư ký diễn ra tại các cuộc bỏ phiếu kín của Hội đồng Bảo an và cơ quan nắm quyền lực cao nhất trong Liên hợp quốc này sẽ đề cử ứng viên duy nhất để Đại hội đồng thông qua.

Vị trí Tổng Thư ký này sẽ được chia sẻ lần lượt với 5 nhóm khu vực Tây Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh và Caribe, châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi thông qua tiến trình xoay vòng một cách không chính thức.

Đến nay, đã có 3 người từ Tây Âu, 2 người từ châu Phi, 2 người từ châu Á và 1 người từ khu vực Mỹ Latinh và Caribe làm Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Vì thế, tại cuộc đua năm 2016 này, khu vực Mỹ Latinh đã yêu cầu có vị trí Tổng Thư ký để cho cân bằng với các khu vực khác.

Trong khi đó, các nước châu Âu lại lên tiếng đòi quyền cử người của họ vì lần cuối cùng một người châu Âu đảm trách cương vị này là ông Kurt Waldheim, người Áo từ năm 1972-1981.

Nhưng trong nội bộ các quốc gia thuộc khu vực Tây Âu và Đông Âu thì lại mâu thuẫn sâu sắc về việc này. Nga yêu cầu rằng nhân vật châu Âu kế nhiệm phải là người đến từ các quốc gia Đông Âu nếu không nước này sẽ dùng quyền phủ quyết. Pháp và Anh thì cho rằng vị trí này phải là của người Tây Âu.

Trước sự tranh cãi về ứng cử viên ngay trong nội bộ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã đưa ra một sáng kiến mới về việc bầu chọn Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Sáng kiến này được thực hiện theo Nghị quyết do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 9/2015 về vấn đề bãi bỏ việc giữ kín quá trình tuyển chọn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nhằm tăng cường tính minh bạch, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các quốc gia trong quá trình tuyển chọn ứng cử viên.

Theo đó, toàn bộ 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều nhận được thư mời đề cử ứng viên mà họ thấy phù hợp cho cuộc chạy đua vào vị trí này.

Các ứng viên khi được đề cử hoặc tự ứng cử cũng phải có một số tiêu chuẩn như có kinh nghiệm trong quản lý và xử lý các vấn đề quốc tế, có kỹ năng ngoại giao, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. Đặc biệt, lần này Liên hợp quốc nhấn mạnh các ứng cử viên có thể là phụ nữ và đã đến lúc người ta trao cho nữ giới quyền điều hành cơ quan quyền lực nhất thế giới.

Sau đó, các ứng viên nộp đơn ứng cử, hồ sơ cá nhân và phải trình bày quan điểm ở phiên điều trần. Tại phiên điều trần, mỗi ứng cử viên có 2 giờ đồng hồ để trình bày một bài thuyết trình ngắn và trả lời các câu hỏi chất vấn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Các ứng cử viên phải trả lời các câu hỏi để giải quyết một số vấn đề cấp bách toàn cầu như: thúc đẩy phát triển bền vững, kiến tạo hòa bình, bảo vệ nhân quyền, xử lý các thảm họa nhân đạo lớn và xử lý các thách thức trong tiến trình thực thi chương trình phát triển bền vững đến năm 2030,...

Tại phiên điều trần, các ứng cử viên phải cho thấy năng lực điều hành, quản lý cũng như các kinh nghiệm có liên quan trong lĩnh vực ngoại giao, ngoại ngữ... Phiên điều trần này được truyền hình và phát sóng trực tiếp từ Trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ).

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này áp dụng hình thức mới trong việc lựa chọn người đứng đầu, giúp các ứng viên có cơ hội để thể hiện năng lực của mình.

Theo giới phân tích, những thay đổi trong quy trình bầu cử năm nay giúp các ứng cử viên có cơ hội công khai chứng tỏ năng lực cũng như trình bày các kế hoạch hành động của mình nếu đắc cử chức Tổng Thư ký. Quan trọng hơn, việc công khai này sẽ gây áp lực lên các cường quốc ở Hội đồng Bảo an trước khi đưa ra quyết định đề cử cuối cùng, buộc các nước này phải xem xét cẩn trọng hơn trên cơ sở lựa chọn người xứng đáng.

Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Mogens Lykketoft khẳng định, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm của Liên hợp quốc, tiến trình bầu chọn và bổ nhiệm Tổng Thư ký được dựa trên các nguyên tắc minh bạch và đa dạng.

Nhiều khả năng có nữ Tổng Thư ký

Nổi bật trong cuộc đua vào vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc năm nay có 11 ứng cử viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, trong số các ứng viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc lần này là có nhiều ứng viên nữ, trong đó có hai ứng cử viên đầy triển vọng là Tổng Giám đốc UNESCO, cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova và Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark.

Trong 9 năm giữ vai trò người đứng đầu Chính phủ, cựu Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark, đã mang lại nhiều thành công cho đất nước trong các lĩnh vực như y tế công cộng, bình đẳng giới, tạo việc làm…

Còn tại Liên hợp quốc, trong 7 năm qua, bà Clark đã và đang lãnh đạo UNDP một cách hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em. Đương kim Thủ tướng New Zealand John Key đánh giá: "Bà Clark hội tụ những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp để trở thành nữ Tổng Thư ký Liên hợp quốc đầu tiên”.

Ứng viên đầy tiềm năng thứ hai là Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova. Người phụ nữ Bulgaria này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền khoa học, giáo dục thế giới. Bà cũng nhận được sự ủng hộ của Nga khi Moscow ủng hộ một ứng viên đến từ một nước Đông Âu vì đây là khu vực duy nhất chưa có đại diện nào ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo Liên hợp quốc.

Theo giới quan sát, cả hai ứng cử viên này đều có nhiều kinh nghiệm về chính trị và ngoại giao cũng như tầm ảnh hưởng lớn trong các hoạt động của Liên hợp quốc nhưng bà Irina Bokova đang nắm lợi thế nhờ là người Đông Âu và đang được Nga ủng hộ mạnh mẽ.

Ngoài ra, những gương mặt nổi bật trong danh sách ứng cử viên còn phải kể đến như: cựu Tổng thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Christiana Figueres, cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk, cựu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Antonio Guterres, cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic, cựu Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic…

Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bắt đầu xem xét lựa chọn và tiến hành cuộc bỏ phiếu thử không chính thức đầu tiên để bầu chọn ứng cử viên cho vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào ngày 21/7. Sau đó, Hội đồng Bảo an sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 9 trước khi Đại hội đồng bầu chọn chính thức vào tháng 10 tới.

Cho dù ai sẽ kế nhiệm Tổng Thư ký Ban Ki-moon thì việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và đồng đều giữa các khu vực trên thế giới, ứng phó hiệu quả với các vấn đề toàn cầu và đặc biệt là cải tổ Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, để cơ chế này hoạt động hiệu quả hơn trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển trên thế giới sẽ là những nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức đối với nhà lãnh đạo Liên hợp quốc trong tương lai.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.