Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng dự hội nghị (Ảnh VGP/Quang Hiếu)
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Dương Tất Thắng, Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Nhiều “nghịch lý” phát triển đã thay đổi
Với chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019 là năm đầy thử thách đối với Chính phủ. Đến nay, năm 2019 có thể coi là năm “bứt phá”. Tăng trưởng kinh tế GDP của nước ta đạt 7,02% (vượt mục tiêu đề ra 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới). Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79% (mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua). Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD (cao nhất từ trước đến nay). Số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục (trên 138.000 doanh nghiệp)…
Toàn cảnh hội nghị điểm cầu Hà Nội. (Ảnh VGP/Quang Hiếu)
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Những thành quả KT-XH có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng, với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng quyết tâm lớn, chúng ta đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc.
Ảnh VGP/Quang Hiếu
Đó là quy mô càng lớn càng khó có thể tăng trưởng nhanh: Điều này đã không đúng! Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD, lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD.
“Tôi xin khẳng định điều này cho thấy quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không thể đạt được” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Các đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh
Thủ tướng cũng chỉ ra, không phải lúc nào cũng đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng, giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động.
Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng; xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là “Kinh tế - Xã hội - Môi trường”. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Nguồn lực có hạn, ưu tiên đô thị thì phải bỏ qua nông thôn và ngược lại: Điều này cũng đã không đúng”.
Tập trung thảo luận, đưa ra những giải pháp phát triển
Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập trung thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành để trả lời câu hỏi lớn: Để đưa KT-XH Việt Nam vươn cao, chúng ta cần những trụ cánh gì?
Đại biểu lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong phiên làm việc sáng nay, hội nghị đã nghe các báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019, kế hoạch năm 2020; báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019; Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 và giới thiệu Dự thảo Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Theo đó, trong phát triển KT-XH năm 2019 có các điểm nhấn như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta (theo đánh giá của quốc tế) liên tục cải thiện về điểm số (thể hiện chất lượng) và thứ hạng…
Ảnh VGP/Quang Hiếu
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các kết quả phát triển của Việt Nam trong năm 2019 trước những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Trên cơ sở phân tích, nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước biểu dương: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam, nhiều kết quả đã thể hiện khát vọng vươn lên”.
Tuy vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Không chủ quan, thỏa mãn vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn như tính tự chủ của kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, lạm phát nhiều nguy cơ, chất lượng tăng trưởng chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế...
“Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm kết thúc nhiệm kỳ, có nhiều sự kiện trọng đại nên tinh thần chung là chủ động, tích cực hơn; năng động sáng tạo hơn; kết quả đạt được phải cao hơn. Theo đó, ngoài các giải pháp của Chính phủ, cần tập trung ưu tiên các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, cải cách hành chính...” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị.