Lao động tham gia phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh tại TX Kỳ Anh
Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (thuộc Tổng Công ty May 10), đóng ở KCN Vũng Áng 1, phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh có quy mô 1.000 lao động. Hiện xí nghiệp đang có gần 400 lao động đang làm việc.
Ông Trần Bảo Khánh – Trưởng phòng nhân sự - Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2024, để phục vụ việc mở rộng quy mô sản xuất, xí nghiệp cần tuyển dụng 500 lao động độ tuổi từ 18 – 35 tuổi. Công nhân làm việc tại xí nghiệp có mức thu nhập từ 6 – 12 triệu đồng/người/tháng. Lao động chưa có tay nghề được đào tạo trong thời gian 3 tháng và được hỗ trợ 4 triệu đồng/người/tháng; tham gia bảo hiểm xã hội; miễn phí ăn ca; hỗ trợ xe đưa đón...”.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, dù đăng thông tin tuyển lao động liên tục, nhưng đến thời điểm này, công ty mới chỉ nhận được vài hồ sơ đăng ký tuyển dụng.
Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng rất ít lao động phỏng vấn tuyển vào làm việc tại Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh
"Vì công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc nên phù hợp với lao động nữ. Tuy nhiên, địa bàn TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, nhiều gia đình có xu hướng chồng đi XKLĐ có thu nhập nên vợ chỉ ở nhà chăm sóc con cái, dẫn đến lao động cung ứng cho ngành may mặc khó khăn hơn", ông Khánh chia sẻ.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh tư vấn, giới thiệu thị trường lao động cho người lao động tại huyện Nghi Xuân
Tương tự, Công ty cổ phần Nhựa bao bì Vinh (KCN Gia Lách – Nghi Xuân) có nhu cầu tuyển dụng 60 lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Lao động được tuyển dụng vào làm việc tại công ty sẽ có mức thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng. Người lao động, ngoài được hưởng các chế độ đãi ngộ, phúc lợi còn được nhận thêm các khoản tiền thưởng khác.
"Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp khi tuyển dụng như thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, phát tờ rơi, đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhưng công ty vẫn chưa tuyển dụng được lao động theo nhu cầu", bà Nguyễn Hồng Thu – phụ trách nhân sự Công ty cổ phần Nhựa bao bì Vinh cho biết
Bà Hồng cho biết thêm: người lao động dịch chuyển xu hướng đi XKLĐ nhiều hơn, đặc biệt từ khi Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động huyện Nghi Xuân theo Chương trình EPS, vì vậy, lao động ứng tuyển ngày càng ít. Ngay trong phiên giao dịch việc làm đầu năm 2024 vừa được tổ chức tại huyện Nghi Xuân, chỉ có vài lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng vào công ty.
Lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng của Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An (Nghệ An)
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, trong tháng 2/2024 có 56 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tuyển dụng hơn 8.700 lao động, trong đó có 54 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng hơn 2.700 lao động và 2 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khá lớn với 6.000 lao động.
Mặc dù những tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động tại Hà Tĩnh cao, có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những năm trước, song, các doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tuyển dụng lao động.
Cán bộ tuyển dụng Công ty TNHH Giải pháp Năng lượng công nghệ cao V-G (VinES – Gotion) phỏng vấn lao động ứng tuyển
Lý giải về nguyên nhân doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho rằng: Do mức lương tại Hà Tĩnh vẫn thấp hơn so với nhiều doanh nghiệp ở miền Nam. Ngoài ra, nhiều lao động đã quen làm việc ở miền Nam, có gia đình đã sinh sống, học hành ở miền Nam nên sau tết, họ vẫn tiếp tục trở lại miền Nam làm việc. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông nhưng mức thu nhập thấp nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, thời gian tới, trung tâm tiếp tục tập trung tăng cường tổ chức phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung - cầu lao động. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động cần việc làm để tiến hành hoạt động kết nối với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động