Sinh năm 1982 nhưng chị Nguyễn Thị Hằng Ngoan đã có hơn 6 năm kinh nghiệm về quy tụ mối đoàn kết lương giáo, dân tộc ở xã vùng biên Sơn Kim 1 (Hương Sơn) với vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ.
Không chỉ giữ vai trò chỉ đạo, điều hành Chủ tịch MTTQ xã Sơn Kim 1 Nguyễn Thị Hằng Ngoan sẵn sàng cùng người dân thực hiện các công trình, phần việc.
Tốt nghiệp Cao đẳng kinh tế Đà Nẵng trở về quê tham gia công tác đoàn tại địa phương, đến năm 2006, chị Ngoan được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ Phụ nữ xã Sơn Kim 1 và kế toán HTX điện. Năm 2009, chị là cán bộ Văn phòng Đảng ủy. Đến năm 2013, chị vinh dự được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.
Trên "con ngựa sắt" của mình, nữ Chủ tịch MTTQ xã Sơn Kim 1 đến tận từng thôn, về tận từng hộ dân để nắm bắt tình hình cơ sở
Sơn Kim 1 là xã biên giới với địa bàn rộng, lại đa dân tộc, tôn giáo bởi vậy vai trò đoàn kết, tập hợp của mặt trận là vô cùng quan trọng. Với nhận thức như vậy, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, chị Ngoan đã xuống từng thôn, về tận từng hộ dân để nắm bắt tình hình cơ sở. Chị cũng tham mưu thành lập ban liên lạc dân tộc để qua đó vừa nắm thông tin, vừa phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động.
Đặc biệt, năm 2014, Sơn Kim 1 trở thành xã vùng biên đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, kết quả đó không thể không nhắc đến vai trò của MTTQ và cá nhân nữ chủ tịch trẻ tuổi. Từ đó đến nay, để củng cố các tiêu chí nông thôn mới, chị Ngoan vẫn tiếp tục cùng các “chân rết” của mình là ban công tác mặt trận các thôn vận động nhân dân xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở 9/9 thôn.
Sơn Kim 1 đang đổi thay từng ngày, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của Ủy ban MTTQ xã và vị nữ chủ tịch trẻ tuổi
Từ đầu năm 2019 đến nay, MTTQ xã đang phối hợp khảo sát thiết kế bản vẽ xây dựng 64 vườn mẫu; đồng thời thực hiện chỉnh trang khuôn viên hội quán, vườn hộ, xây dựng hàng rào xanh, mở rộng đường giao thông nông thôn...
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn Hồ Đình Lĩnh phấn khởi: “Có những người cán bộ trẻ như chị Ngoan, MTTQ huyện như có thêm nguồn năng lượng dồi dào để thực hiện các nhiệm vụ. Bên cạnh những cán bộ mặt trận gạo cội, dày dặn kinh nghiệm thì việc trẻ hóa cán bộ để đáp ứng yêu cầu tình hình mới cũng là nội dung chúng tôi quan tâm. Riêng nhiệm kỳ này, tại Hương Sơn có 11 cán bộ trẻ lứa tuổi 8X”.
Cũng sinh năm 1982, anh Phan Văn Hải - nguyên Bí thư đoàn xã Mai Phụ (Lộc Hà) vừa được đại hội MTTQ xã hiệp thương bầu giữ chức Chủ tịch vào tháng 1/2019. Dẫu chỉ mới tiếp nhận vị trí mới chưa lâu, nhưng anh Hải đã sớm bắt nhịp với công việc.
Chủ tịch UBMTTQ xã Phan Xuân Hải và Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Phạm Thị Hoan đến động viên người dân tham gia xây dựng vườn mẫu
Anh Hải cho biết: “Thời gian đầu tiếp cận, tôi tập trung nghiên cứu các văn bản, tài liệu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của MTTQ, đồng thời tham vấn ý kiến, học hỏi kinh nghiệm của các “tiền bối”. Đó cũng chính là tiền đề để tôi xây dựng kế hoạch làm việc cho bản thân và chương trình hành động cho tổ chức”.
Đồng hành cùng anh Hải trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là nữ Phó Chủ tịch Phạm Thị Hoan (SN 1987). Từ vị trí Ủy viên BTV Hội LHPN xã, chị Hoan được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Để phát huy hiệu quả “Quỹ vì người nghèo”, “cặp đôi” lãnh đạo Ủy ban MTTQ xã Mai Phụ đã gửi thư ngỏ đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn, kết nối con em xa quê để huy động nguồn lực. Chỉ trong 6 tháng, quỹ đã kêu gọi được hơn 33 triệu đồng.
Chủ tịch UBMTTQ xã Mai Phụ (bìa trái) Phan Xuân Hải nhận tiền ủng hộ "Quỹ vì người nghèo" từ Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Mai Phụ - Thạch Mỹ
Trước mắt, nguồn quỹ đã được trích hỗ trợ 2 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa nhà ở. Không những thế, để phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, cán bộ mặt trận xã còn biết cách vận dụng linh hoạt vị trí của các tổ chức hội thành viên và ban công tác mặt trận thôn.
Sau đại hội MTTQ cơ sở nhiệm kỳ 2019 - 2024, Hà Tĩnh đã kiện toàn đội ngũ cán bộ mặt trận với khá đông người trẻ. Đây là nguồn nhân lực quan trọng góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới.
Nhiệm kỳ 2019 - 2024, độ tuổi trung bình của Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã trẻ hơn so với nhiệm kỳ trước gần 5 tuổi
Theo thống kê từ Ủy ban MTTQ tỉnh, nhiệm kỳ 2019 - 2024 độ tuổi trung bình của Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã là 47,6 tuổi (trẻ hơn so với nhiệm kỳ trước gần 5 tuổi); số lượng cán bộ dưới 40 tuổi ở vị trí này là 56 người (nhiệm kỳ trước 24 người).
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hoàng Anh Đức cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng cán bộ trẻ với năng lực, trình độ của mình sẽ góp phần đưa phong trào mặt trận ngày càng phát triển. Và để phát huy tốt chức trách của mình, mỗi cán bộ trẻ mặt trận ngoài việc học tập nâng cao trình độ còn phải sâu sát, tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, thẳng thắn phản biện xã hội. MTTQ tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện tối đa để cán bộ mặt trận nói chung, cán bộ trẻ nói riêng được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực”.