Ngầm 12 trên đường 21 nay đã bừng lên sức sống mới.
“Đường 21 dài 53 km, nối từ km 12 - QL 15A thuộc địa phận xã Ngọc Sơn qua các vùng núi huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, men theo dãy Trường Sơn… đến Tân Ấp, xã Hướng Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình).
Với vai trò “chia lửa” cho tuyến QL 15A, tuyến đường 21 đã được lực lượng TNXP Hà Tĩnh cùng các đơn vị cơ giới của bộ đội ta dồn toàn sức hoàn thành trong vòng 1 năm (từ 1965-1966), với chiều dài 53 km, trở thành một trong những huyết mạch giao thông quan trọng, làm nhiệm vụ chi viện lương thực, vũ khí và con người cho tiền tuyến lớn miền Nam” - cựu TNXP Võ Tá Lý - nguyên Đội trưởng Đội 53 - người từng tham gia bổ những nhát cuốc đầu tiên khai sinh tuyến đường 21 đưa chúng tôi trở về với những tháng ngày lao động, chiến đấu trên tuyến đường huyền thoại.
Rồi những trận chiến đấu ác liệt trên tuyến đường lại trở về trong ký ức của người cựu TNXP: “Ngày 30/6/1966, trong trận thả bom vào lúc chiều tối, 2 chiến sỹ đã hy sinh và tên các anh đã được gắn với địa danh “Cầu Việt Đức”.
Trận đánh ngày 20/3/1968, đường 21 thực sự trở thành chiến địa, khi địch chính thức phát hiện và liên tục đánh phá toàn tuyến, nhằm cắt đứt một trong những huyết mạch giao thông của quân, dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. 8 TNXP Đội 53 của chúng tôi đã hy sinh, không tìm được thi thể...
Ác liệt, hy sinh, gian khổ, nhưng bao nhiêu máy bay tối tân, hiện đại với hàng trăm tấn bom đạn của địch đã không làm chùn bước ý chí quật cường, tinh thần quả cảm của quân và dân ta. Nhiều địa danh trên đường 21 thuộc địa bàn huyện Thạch Hà như: Ngã ba Thình Thình (Thạch Điền), ngầm 12, Động Nón, Cồn Gát (Thạch Xuân) đã trở thành bất tử”.
Khu tưởng niệm 5 chiến sỹ cộng sản tại xã Thạch Xuân vừa hoàn thành đúng dịp 27/7 năm nay
Hôm nay, sau hơn 40 năm kết thúc chiến tranh; đường 21 huyền thoại đã được nâng cấp đẹp như một dải lụa, uốn lượn trong bạt ngàn màu xanh của rừng, của những khu kinh tế vườn sầm uất. Thôn 21 Nông trường Thạch Ngọc (lấy tên đường 21) - nay là thôn Trường Sơn, xã Ngọc Sơn, hơn 40 năm sau chiến tranh, cuộc sống người dân nơi đây đang bừng lên sức sống mới.
Nằm trên ngã ba điểm tiếp giáp giữa tỉnh lộ 13 với QL 15A, thuộc địa phận Nông trường Thạch Ngọc, cùng với Truông Bát, Khe Giao, còn có các địa danh như: Vực Trùng, ngầm Lò Rèn, đồi Minh Sơn… Tất cả đã tạo nên mạch máu giao thông quan trọng; đây từng được ví như là một “Ngã ba Đồng Lộc thứ hai”…
Không ai có thể đo đếm được có bao nhiêu tấn bom đạn Mỹ đã dội xuống mảnh đất này. Riêng hơn 1 năm, từ năm 1965 đến cuối 1966, ước tính Nông trường Thạch Ngọc đã bị địch ném hơn 100 tấn bom đạn các loại; trên 40 người chết. Trong đó có 11 chiến sỹ pháo cao xạ, 13 công nhân hy sinh trong chiến đấu và sản xuất; còn lại là đàn bà và trẻ em của nông trường. Mối căm thù sục sôi đã thôi thúc hàng trăm thanh niên là con em công nhân nông trường tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc. Người ở lại quê hương kiên trung tay súng, tay cày bám đường, bám ruộng.
Ông Trần Đình Chức, một trong những công nhân trong đội trực chiến của Nông trường Thạch Ngọc không giấu được xúc động: “Nhớ thương đồng đội và cũng tự hào lắm khi sự hồi sinh của vùng đất này có máu xương của cha anh đang hòa trộn cùng màu xanh của đất trời Truông Bát, Khe Giao”.
Thương binh Phan Văn Thạch (xã Nam Hương) - người từng chứng kiến những ngày ác liệt trên tuyến đường 21 chạy qua địa bàn, rồi tham gia chiến đấu khắp các chiến trường miền Nam, sau khi xuất ngũ đã phát triển kinh tế vườn, rừng, góp phần làm nên màu xanh quê hương.
Từ ngầm 12 - một “điểm chết” trên tuyến đường 21, chúng tôi cùng Chủ tịch Hội CCB xã Thạch Xuân - Thượng tá Trần Hữu Minh xuôi về thôn Lộc Nội để chứng kiến bức tranh ấm tình đồng đội nơi đây. Những ngày tháng 7 này, lực lượng CCB và nhân dân xã Thạch Xuân đã góp công sức, tiền của, vật liệu, cùng với chính quyền xã hoàn thành khu tưởng niệm 5 chiến sỹ cộng sản bị địch bắn trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Thượng tá Trần Hữu Minh kể: Sau thất bại của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp ráo riết lùng sục, bắt bớ các chiến sĩ cộng sản tham gia phong trào. Tại xã Thạch Xuân, có 6 chiến sỹ ẩn náu hoạt động. Mặc dù được nhân dân hết lòng che chở nhưng bằng nhiều thủ đoạn theo dõi, vây ráp, cuối cùng, địch đã phát hiện và bắt 5 đồng chí. Ngày 13/1/1931, giặc đã xử bắn cả 5 đồng chí tại cánh đồng thôn Lộc Nội (Thạch Xuân).
Chiến tranh đã lùi xa; cuộc sống cũng đã hồi sinh ngay trên những “tọa độ chết” năm nào, nhưng ký ức hào hùng và những địa danh huyền thoại gắn liền với một thời máu lửa thì vẫn còn nguyên vẹn. Trên hành trình tiếp bước cha anh, thế trẻ Thạch Hà luôn khắc ghi trong tim hình ảnh những con người, những địa danh đã đi vào lịch sử, từ đó biết và sống xứng đáng với lý tưởng của cha anh, xứng đáng với những tên đất, tên người một thời máu lửa.